Lãi suất 2020 khó có thể giảm sâu

02/01/2020 10:04 GMT+7
BVSC dự báo mặt bằng lãi suất huy động nói chung sẽ vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa ra dự báo về lãi suất năm 2020. Theo đó, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ ổn định, không tăng mạnh hay giảm sâu.

BVSC thống kê về tình hình lãi suất năm 2019. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động có diễn biến tăng (khoảng 20 điểm, chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần trung và nhỏ) trong 10 tháng đầu năm 2019 trước khi giảm mạnh trong tháng 11 do quyết định điều chỉnh trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước.

BVSC nhận định thách thức lớn cho việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2020 đến từ xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát dù CPI có thể vẫn được hạn chế về đà tăng.

Lãi suất 2020 khó có thể giảm sâu - Ảnh 1.

Lãi suất 2020 khó có thể giảm sâu (Ảnh minh họa)

Theo BVSC, trong năm 2020, rủi ro lạm phát tiền tệ và lạm phát cầu kéo đối với kinh tế Việt Nam không lớn. Cụ thể, từ năm 2014 tới nay, CPI tăng ổn định dưới 5% nhờ tăng trưởng tín dụng và M2 ổn định từ 15-20%. Năm 2019-2020, tăng trưởng TD và M2 tiếp tục dao động trong khoảng trên nên rủi ro lạm phát tiền tệ ko lớn.

Trong khi đó, mức tăng lương 2020 ở mức thấp (7,3%) nên rủi ro lạm phát do cầu kéo cũng không cao. Tuy vậy, rủi ro lớn nhất sẽ đến từ lạm phát chi phí đẩy với giá thịt lợn tăng cao do dịch bệnh. Tuy nhiên, rủi ro này có thể sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ do không chịu cộng hưởng bởi yếu tố cầu kéo.

Tuy nhiên, BVSC đánh giá dù CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến Ngân hàng Nhà nước khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, lãi suất OMO, lãi suất tín phiếu…, nhất là trong quý 1/2020.

Trên cơ sở đó, BVSC dự báo mặt bằng lãi suất năm 2020 nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với cuối 2019. Trong kịch bản lạm phát hạ nhiệt dần trong quý 2/2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để xem xét cắt giảm các loại lãi suất điều hành nếu tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể.

"Mặt bằng lãi suất huy động nói chung sẽ vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về hệ số an toàn vốn (bắt đầu từ 2020, Basel II được áp dụng cho toàn bộ hệ thống và hiện mới chỉ có khoảng 18/38 ngân hàng đạt chuẩn này) cũng như lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay về mức 30% kể từ 1/10/2022", BVSC cho biết.

Tính đến nay, Việt Nam mới có một lần điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 (ít hơn so với các nước trong khu vực). Hiện dư địa để Việt Nam cắt giảm tiếp lãi suất điều hành (trong trường hợp kinh tế tăng trưởng thấp dưới mục tiêu) là khá nhiều. Mặc dù vậy, tác động của việc giảm lãi suất điều hành đến mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam là khá hạn chế.

Ngoài ra, hai yếu tố là lộ trình kiểm soát rủi ro (tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm dần từ mức 40% hiện nay xuống 0% kể từ đầu 2022) và nâng cao năng lực tài chính (áp dụng chuẩn Basel II kể từ đầu 2020) cho hệ thống ngân hàng sẽ vẫn khiến mặt bằng lãi suất huy động khó giảm mạnh trong 2- năm tới.

Về trung hạn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong 2- năm tới sẽ duy trì ở mức 12-14% do Chính phủ vẫn đang kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Khó có khả năng tăng trưởng tín dụng được nới lỏng lên mức cao trên 15%.

Tuy quota chung cho hệ thống không được nới thêm nhưng việc phân bổ quota tín dụng cho từng ngân hàng sẽ theo hướng thị trường hơn, dựa vào mức độ đủ vốn và khả năng quản trị rủi ro của mỗi ngân hàng thay vì "cào bằng" tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục