Lợi nhuận DN bất động sản và ngân hàng bị khối trái phiếu đáo hạn 7,2 tỷ USD “đè nặng” thế nào trong năm 2023?
Tại talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 9 do báo Đầu tư tổ chức với chủ đề “Nhận diện biến số 2023”, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital cho rằng, về vĩ mô, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thách thức, bị ảnh hưởng gián tiếp qua việc xuất khẩu bị chậm lại và thất nghiệp ở khối lao động tăng lên. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ cũng sẽ chậm lại so với sự hồi phục từ mức thấp trong năm 2022 (tăng trưởng trên nền thấp 2021).
Một rủi ro khác đã đề cập là áp lực trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023 (7,2 tỷ USD), ảnh hưởng phần nào đến bức tranh lợi nhuận 2 ngành lớn của thị trường chứng khoán là bất động sản và ngân hàng.
"Ở thời điểm hiện tại nhiều quỹ đầu tư, công ty chứng khoán đã có những dự báo cho bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết, đã hạ triển vọng tăng trưởng (0%-15%), như vậy đã phần nào phản ánh ảnh hưởng của những yếu tố vĩ mô nói trên. Tôi cho rằng, đây không phải là tâm điểm của thị trường chứng khoán 2023", bà Phương nói.
Theo bà Phương, nhà đầu tư đang nhìn xa hơn các yếu tố hỗ trợ, bao gồm:
Kỳ vọng giải ngân đầu tư công: Năm nay giải ngân chưa như kì vọng, trong khi hằng năm đầu tư công chiếm 5%-6% GDP. Cùng với quyết tâm và tiến độ cụ thể ở các dự án trọng điểm, năm 2023 dự báo tốc độ giải ngân sẽ tăng trưởng so với 2022, qua đó cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, áp lực chi phí xây dựng giảm so với lúc giá cả nguyên vật liệu ở mức cao giữa năm nay.
Thứ hai, Trung Quốc mở cửa kinh tế, dù chưa chắc chắn về thời điểm, nhưng động thái về sự nới lỏng các quy định về giãn cách, người dân được đi làm khi có triệu chứng covid nhẹ, hay tỷ lệ người nhiễm tăng nhanh đều cho thấy sự thay đổi trong chiến lược. Sự hưởng lợi chắc chắn nhất là sự đóng góp của khách Trung Quốc vào du lịch Việt Nam.
Ngoài ra Trung Quốc mở cửa sẽ tốt cho chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp giải quyết một số tắc nghẽn về nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam (2022 xe, linh kiện điện tử….), vì thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là gần 60 tỷ USD (tức là Việt Nam NK nhiều hơn từ Trung Quốc). Trung Quốc mở cửa còn giúp cho xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc, do giá xuất khẩu sẽ được hỗ trợ khi nguồn cung thế giới được hấp thụ bởi nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Thứ ba, tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt sẽ giúp một số doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn sẽ bớt áp lực hơn 2022.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Mỹ/EU có thể phục hồi trong nửa cuối 2023, lợi nhuận tăng trưởng so với mức nền thấp trong 2022 khi xuất khẩu đã chậm lại.
Một số yếu tố như chi phi vận chuyển giảm, giá xăng dầu và hàng hóa giảm từ đỉnh, và ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng không còn trọng yếu, cũng góp phần hỗ trợ lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán không hoàn toàn cùng chiều. thị trường chứng khoán còn bị ảnh hưởng bởi định giá, dòng tiền, nên không phải năm nào KT tốt thì thị trường chứng khoán mới tăng trưởng. Rủi ro thất nghiệp, các DN bị mất đơn hàng, chi phí kinh doanh cao, sức tiêu dung yếu đi… tất cả đều đang hiện hữu. Vì vậy, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội hồi phục từ mức nền thấp trước khi kinh tế thực sự phục hồi.
Bàn luận về vấn đề này, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng, những thách thức đến từ suy thoái kinh tế thế giới, Việt Nam cũng có những vấn đề riêng như trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, tuy nhiên chúng ta vẫn có quyền hy vọng là thị trường 2023 sẽ dễ thở hơn vì chính sách sẽ đi vào thực tế nhiều hơn.
"Chẳng hạn như sửa đổi nghị định 65 sẽ thông qua, lãi suất có thể sẽ đảo chiều, đà tăng chậm dần và đảo chiều giảm, tỷ giá ổn định và giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn. Đó là những yếu tố sẽ giúp cho thị trường. Trong kịch bản tích cực của SSI Research thì thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng từ 5- 10% trong năm 2023", bà Phương nói.