Mối quan ngại đằng sau mức tăng phá mốc 4.000 USD của đồng ether
Theo Coin Metrics, giá đồng ether đã tăng gần 7% trong 24 giờ qua lên 4.141,99 USD vào sáng nay 10/5, qua đó đưa vốn hóa ether lên 476,3 tỷ USD, tức gần bằng một nửa so với vốn hóa 1,1 nghìn tỷ USD của đồng bitcoin.
Không còn nằm sau cái bóng của bitcoin, đồng ether đã chứng kiến mức tăng mạnh trong vài tuần gần đây khi các nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm đồng tiền điện tử khác để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Vào tháng 4, giá bitcoin đã giảm hơn 2% trong khi ether tăng hơn 40%.
Mức tăng của ether đã đưa tổng giá trị thị trường tiền điện tử lên 2,5 tỷ USD, theo CoinMarketCap.
Các nhà đầu tư và một số doanh nghiệp như Tesla đã đổ xô vào cơn sốt bitcoin đầu năm nay, coi đồng tiền kỹ thuật số này như một tài sản trú ẩn an toàn trước nguy cơ lạm phát khi các ngân hàng Trung ương toàn cầu in thêm tiền để hỗ trợ nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Nhưng cơn sốt bitcoin có vẻ đã hạ nhiệt trong thời gian qua khi các nhà đầu tư chuyển sang đồng tiền điện tử phổ biến thứ hai hành tinh - ether. Ether là đồng tiền mã hóa trong hệ thống blockchain của Ethereum - một nền tảng điện toán phân tán chuỗi khối sử dụng chức năng Smart Contract (Hợp đồng thông minh) để thực hiện các giao dịch ngang hàng. Nền tảng Ethereum được ra mắt vào cuối năm 2013 bởi Vitalik Buterin trong nỗ lực tạo ra một đồng tiền điện tử khắc phục những nhược điểm của bitcoin. Ưu việt hơn, Ethereum có khả năng tự tạo hệ sinh thái tài chính riêng biệt như một ứng dụng hữu ích.
Cùng là tiền tệ kỹ thuật số nhưng bitcoin được xem như kho lưu trữ giá trị tương tự vàng, còn Ethereum hướng tới tạo ra một nền tảng internet phân tán không được duy trì bởi bất kỳ Ngân hàng Trung ương nào. Ông Sergey Nazarov, đồng sáng lập Chainlink cho rằng với nguy cơ lạm phát gia tăng, sản phẩm phân tán chuỗi khối của Ethereum được xem là lựa chọn hoàn hảo để nhà đầu tư đề phòng tiền tệ pháp định mất giá do việc Ngân hàng Trung ương in thêm tiền hoặc các cú sốc nguồn cung khác.
Ether cũng được hưởng lợi từ cơn sốt NFT (Non-fungible token) - một loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra chuỗi mã độc nhất đại diện cho phiên bản số của một vật phẩm nhất định, đồng ether được chọn là đơn vị tiền tệ chính để mua các mã NFT này. Giới sưu tầm, tài phiệt, người nổi tiếng, lãnh đạo doanh nghiệp đua nhau dấn thân vào các cuộc đấu giá trực tuyến thanh toán bằng tiền mặt hoặc tiền ảo (đồng ether) để mua NFT - phiên bản số của các bức tranh, bản nhạc, tác phẩm nghệ thuật..., thậm chí vé concert tương lai.
Nhà quan sát John Wu, Chủ tịch Ava Labs nhận định: “Với sự bùng nổ của cơn sốt NFT, người ta đang xem xét các đồng tiền thay thế bitcoin, chẳng hạn như ether là một tiện ích thực thụ, nhất là trong giới sưu tầm nghệ thuật và thể thao”. Nhiều NFT, chẳng hạn như CryptoKitties và CryptoPunks, chạy trên Ethereum.
Sự bùng nổ giao dịch đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mạng Ethereum. Do đó, ether hiện đang trải qua một đợt hard-fork kỹ thuật. Về cơ bản, nó như một động thái nâng cấp giúp tăng tốc độ giao dịch trong mạng blockchain ethereum.
Tuy nhiên, giống như bitcoin, Ethereum cũng đối diện nhiều chỉ trích từ các nhà bảo vệ môi trường do tác động tiêu cực từ việc khai thác tiền điện tử đến khí hậu.
Thêm vào đó, vẫn có những ý kiến thận trọng cho rằng nhà đầu tư cần đề phòng trước đà gia tăng chóng mặt của ether. Họ lo sợ kịch bản với đồng bitcoin năm 2017-2018 lặp lại, và rằng ether rồi sẽ lại rớt giá thảm khi bong bóng vỡ.