Người phụ nữ đam mê "sống xanh"
Với chị Trần Thị Hương, chủ xưởng may tái chế Green Life Hạ Long (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long), "sống xanh" không đơn thuần là tên gọi cơ sở kinh doanh do chị gây dựng mà nó đã và đang trở thành niềm đam mê, khát vọng muốn góp một phần công sức nhỏ bé bảo vệ môi trường thêm xanh, sạch, đẹp.
Từ những chiếc túi xách tái chế...
Chúng tôi có dịp đến thăm nhà cũng là nơi đặt Xưởng may tái chế Green Life Hạ Long của chị Trần Thị Hương vào một ngày cuối tháng 10. Tiết trời đầu đông se lạnh có phần âm u dường như bị xua tan khi chúng tôi đặt chân tới trước cổng nhà chị Hương. Ngay từ cổng vào, đủ loại hoa rực rỡ được trồng trong những chiếc lốp xe cũ được tái chế sơn màu xinh xắn, đầy màu sắc đã tạo cảm giác thân thiện, gần gũi như chính chủ nhân của ngôi nhà.
Trong căn nhà nhỏ cũng là xưởng may, chị Hương cùng các chị em nhân viên đang say sưa tháo dỡ khung tre, dây thép, xử lý làm sạch các tấm pano quảng cáo vừa được thu gom về xưởng.
Những tấm pano tưởng chừng luôn bị bỏ đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ cho các chiến dịch quảng cáo thì nay lại hoàn toàn có thể trở thành các sản phẩm hữu ích như túi xách đi chợ, đi học, đi làm qua đôi bàn tay khéo léo của chị Hương và những nhân viên ở Xưởng may tái chế Green Life Hạ Long.
Ý tưởng may túi tái chế từ những tấm pano quảng cáo của chị Hương xuất phát từ chính các mô hình “Biến rác thành tiền”, phân loại rác thải của các cấp Hội phụ nữ TP Hạ Long phát động.
Bằng sự mộc mạc, thân thiện như chính những sản phẩm mình làm ra, chị Hương chia sẻ: Tham gia hoạt động Hội, được chị em giới thiệu về các mô hình phân loại, tái chế rác, tôi tình cờ biết đến ý tưởng may túi tái chế. Từ đây, tôi mới bắt tay vào tìm hiểu, tự đi học một khóa cắt may, lên mạng học hỏi thêm cách làm các loại túi tái chế với nhiều mẫu mã, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Ban đầu, tôi chỉ thử may những chiếc túi to trực tiếp cắt từ tấm pano để phục vụ đi chợ là chính thì thấy túi rất chắc chắn. Những sản phẩm đầu tiên của xưởng được các cấp Hội Phụ nữ thành phố mua làm quà tặng cho hội viên, phụ nữ dùng làm túi xách đi chợ để tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, được chị em phản hồi khá tốt nên tôi có thêm động lực để mở rộng sản xuất.
Ngoài việc tận dụng những tấm pano, quảng cáo đã qua sử dụng, chị Hương còn thu gom thêm vải thừa từ các cửa hàng rèm mành để xử lý, khéo léo kết hợp may thành túi vải làm tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm túi tái chế trở nên phong phú, đa dạng hơn về mẫu mã từ túi xách đi chợ, túi vải đeo đi chơi, ba lô đi học, túi đựng tài liệu... với giá thành từ 20.000 đến 200.000 đồng.
Qua hơn một năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay xưởng may của chị Hương đã sử dụng nguồn nguyên liệu trên 5 tấn pano và 2 tấn vải thừa, sản xuất gần 700.000 sản phẩm các loại.
Không dừng lại ở đó, tiếp tục tận dụng những mảnh pano còn thừa sau khi cắt may túi xách, chị Hương chắp nối, may chúng trở thành những túi nhỏ để ươm cây giống.
“Cắt may túi xách xong, nhìn những mảnh vụn còn thừa thấy lãng phí quá nên tôi nghĩ cách tận dụng triệt để. Vốn là người yêu thích trồng cây, trồng hoa nên tôi nảy ngay ra ý tưởng này. Những túi nhỏ này may rất đơn giản, nhanh chóng, dùng đựng đất ươm cây giống rất tốt vì chất liệu dai, bền không thấm nước, quá trình vận chuyển cũng không sợ rách bục nên rất đảm bảo” - chị Hương cho biết thêm.
Thay vì là phế phẩm bỏ đi, những tấm pano, áp phích đã được hồi sinh, có thêm một vòng đời ý nghĩa. Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những sản phẩm tái chế của Green Life Hạ Long không chỉ hữu ích cho cuộc sống mà còn thể hiện ý thức, trách nhiệm của chị Trần Thị Hương với cộng đồng và môi trường sống.
Hướng tới giá trị bền vững
Cứ học tập được ở đâu những cách làm hay về tái chế rác, chị Hương đều nghiên cứu áp dụng. Chị tận dụng mọi thứ bỏ đi để làm thành những sản phẩm mới hữu ích.
Với niềm đam mê công việc, một cách kiên trì và bền bỉ, chị Hương trở thành người phụ nữ tiên phong, truyền cảm hứng, làm lan tỏa tinh thần “sống xanh” đến với mọi người trong gia đình, khu phố. Bởi vậy mà mỗi ý tưởng của chị khi đề xuất thực hiện đều được gia đình ủng hộ.
Và dù vẫn còn bị cuốn hút với những sản phẩm túi xách tái chế xinh xắn, chúng tôi lại tiếp tục bất ngờ khi thấy anh Vinh, chồng chị Hương đang cặm cụi làm sạch các thùng sơn cũ để làm thành những thùng rác mới, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa giúp mọi người thuận tiện trong việc phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ ngay tại gia đình.
Anh Trần Văn Vinh hào hứng chia sẻ: Ý tưởng sản xuất thùng rác từ thùng sơn cũ là do vợ tôi học tập từ mô hình của chị em ở Hội phụ nữ TP Cẩm Phả trong một lần tham gia giao lưu và việc triển khai do tôi phụ trách. Các thùng sơn được chúng tôi thu mua lại từ các cửa hàng bán sơn, các công trình xây dựng, sau đó về rửa sạch, sơn màu lại và dán nhãn phân loại với giá bán 50.000 đồng/thùng.
Hy vọng với sản phẩm này, rác thải sẽ được phân loại ngay từ gia đình, đồng thời rác được để gọn gàng, vệ sinh, không gây mùi khó chịu, hạn chế tình trạng những túi rác vứt bừa bãi dưới lòng đường, hè phố rất mất mỹ quan.
Mặc dù, những sản phẩm tái chế đang trở thành xu hướng tiêu dùng thông minh, được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn, song việc đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng vẫn là một trong những khó khăn khiến chị Hương trăn trở.
Chị chia sẻ: Thật sự, mô hình sản xuất sản phẩm tái chế có nhiều triển vọng để phát triển, song còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Triển khai mô hình, tôi được Hội LHPN thành phố giúp đỡ, kết nối với các đơn vị, công ty quảng cáo để thu nhận các tấm pano đã qua sử dụng, mở gian hàng tại Hội chợ OCOP của tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Xưởng may cũng lập trang facebook Green Life Hạ Long để giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến các cửa hàng lưu niệm tại các địa phương có hoạt động du lịch phát triển, song vẫn có những hạn chế nhất định.
Vì vậy, tôi mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Hội phụ nữ, các ngành, đơn vị trong việc giới thiệu, đưa sản phẩm xanh này đến gần hơn với cuộc sống, trở thành một vật dụng hữu ích, gần gũi trong mọi hoạt động sinh hoạt, làm việc và học tập hằng ngày.
Trăn trở là vậy, khó khăn cũng nhiều, song với chị Hương bên cạnh mục tiêu kinh doanh tạo lợi nhuận, thu nhập cho gia đình và việc làm cho chị em, hội viên phụ nữ địa phương, thì mong muốn từng bước thay đổi nhận thức xã hội về lối sống bền vững từ những hành động nhỏ nhất chưa bao giờ tắt. Bởi với chị, việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường được làm bằng cả trái tim và tâm tư chính là thể hiện trách nhiệm với môi trường, để nỗ lực truyền đi cảm hứng sống xanh đến với cộng đồng.
Khi rác cũng là một nguồn tài nguyên, khi cái đẹp được sinh ra từ rác, lại mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh của chúng ta thì nó đã trở nên hoàn hảo.
Hy vọng, những sản phẩm tái chế của Green Life Hạ Long sẽ đến tay người sử dụng ngày càng nhiều hơn, để chị Hương sẽ có động lực, thêm niềm tin và thêm những người bạn đồng hành thực hiện sứ mệnh bảo vệ môi trường, từ đó đưa thông điệp “sống xanh”, sống thân thiện lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng.