Người Thổ Nhĩ Kỳ phản đối xây kênh đào Istanbul khi Trung Quốc xem xét tài trợ

28/06/2021 12:23 GMT+7
Theo Tổng thống Erdogan, kênh đào Istanbul một khi được hoàn tất sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ tham gia mạnh mẽ hơn vào thương mại toàn cầu cũng như giành thị phần lớn hơn trong các hành lang vận tải và hậu cần.

Khi ý tưởng xây dựng kênh đào dài 45km được đề xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây một thập kỷ, nó bị coi là điên rồ. 

Nhưng cuối tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tham dự lễ khởi công cây cầu đánh dấu cột mốc đầu tiên của dự án "Kênh Istanbul" nối liền Biển Đen với Biển Marmara, một dự án mà ông kỳ vọng sẽ nhận được sự hậu thuẫn của các quốc gia khác bao gồm Trung Quốc. Phát biểu tại lễ khởi công, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định đây là dấu mốc “mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ”, là dự án để “cứu lấy tương lai Istanbul”.

Theo chính quyền Erdogan, kênh Istanbul chạy song song eo biển Bosporus, dự kiến sẽ giảm tài giao thông cho eo biển vốn thường xuyên bị tắc nghẽn, giảm thiểu nguy cơ tai nạn và tăng tốc độ qua lại của tàu thuyền. Kênh đào dự kiến mất 6 năm để hoàn tất với số vốn 1,4 tỷ USD, số tiền còn lại để trang trải cho việc xây dựng 6 cây cầu bắc ngang qua kênh.

Người Thổ Nhĩ Kỳ phản đối xây kênh đào Istanbul khi Trung Quốc xem xét tài trợ - Ảnh 1.

Tàu đi qua eo biển Bosporus (Ảnh; Getty Images)

Về mặt chính trị, Tổng thống Erdogan kỳ vọng dự án kênh đào sẽ tạo động lực mới cho nền kinh tế, tạo việc làm và nâng cao danh tiếng của ông này trước thềm kỳ bầu cử sắp diễn ra vào năm 2023. Theo ông Erdogan, kênh đào Istanbul một khi được xây dựng sẽ đóng vai trò chiến lược đưa Thổ Nhĩ Kỳ tham gia mạnh mẽ hơn vào thương mại toàn cầu cũng như giành thị phần lớn hơn trong các hành lang vận tải và hậu cần.

Dự kiến đến năm 2050, sẽ có khoảng 78.000 tàu thuyền đi qua eo Bosporus, tăng từ mức lưu lượng 40.000 tàu hiện nay, theo ông Erdogan. Và việc giảm tải lưu lượng cho eo biển này bằng kênh đào Istanbul là một vấn đề cấp thiết.

Tuy nhiên, dự án đang gây tranh cãi trong công chúng Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều phương diện, bao gồm vấn đề môi trường, tài chính và an ninh quốc gia. Theo một cuộc thăm dò của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Istanbul, 58% người được hỏi không tán thành dự án kênh đào Istanbul, tăng 5% so với cuộc khảo sát 7 tháng trước.

Tính khả thi của dự án kênh đào Istanbul ra sao?

Kế hoạch xây dựng kênh đào của Istanbul dự kiến sẽ tiêu tốn tới 15 tỷ USD được công bố trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc vì cuộc khủng hoảng Covid-19, đồng lira mất giá và sự ủng hộ của công chúng với chính quyền xuống mức thấp. Đó là chưa kể các tranh luận về vấn đề chính trị, khi có nhiều dự đoán rằng Trung Quốc hoặc Qatar có thể đóng vai trò tài trợ trong dự án khủng này. Trước buổi lễ khởi công, Bộ trưởng Giao thông vận tải Thổ Nhĩ Kỳ Adil Karaismailoglu tiết lộ rằng các công ty Trung Quốc, Nga, Hà Lan và Bỉ đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến việc tài trợ cho dự án kênh đào Istanbul.

Người Thổ Nhĩ Kỳ phản đối xây kênh đào Istanbul khi Trung Quốc xem xét tài trợ - Ảnh 2.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ phản đối xây dựng kênh đào Istanbul (Ảnh: Reuters)

Tại lễ khởi công hôm 26/6, Tổng thống Erdogan giải thích rằng dự án kênh đào sẽ không lấy đi đồng xu nào từ kho bạc nhà nước, và rằng nó sẽ tự cung cấp tài chính nhờ nguồn thu từ các con tàu đi qua kênh, các cảng được xây dựng và nhiều nguồn khác. Hồi đầu tháng 6, ông này cũng đưa ra ý tưởng về việc xây dựng kênh đào bằng nguồn tài trợ của khu vực tư nhân cũng như doanh thu từ khoảng 500.000 ngôi nhà xây dựng dọc theo tuyến đường kênh đào. Tuy nhiên, kế hoạch này không thuyết phục được các chuyên gia. 

Nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi về tính khả thi thương mại của dự án kênh đào Istanbul khi lưu lượng tàu thuyền qua eo Bosporus vốn đã giảm trong 15 năm qua. Thêm vào đó, các tàu thuyền hiện nay được di chuyển gần như miễn phí qua eo Bosporus nhờ Công ước Montreux năm 1936. Tức là việc thu phí qua kênh đào Istanbul sau này có thể không đem lại nguồn thu như kỳ vọng, hoặc trở thành thách thức với Công ước Montreaux và làm đảo lộn cân bằng vận tải biển ở khu vực Biển Đen.

Những nguy cơ tiềm tàng

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Nước này đã ký một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc vào năm 2015 nhằm điều chỉnh "Sáng kiến Hành lang Giữa" nối Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu với Trung Quốc thông qua tuyến đường xuyên Caspi Đông - Tây. Năm 2017, Tổng thống Erdogan đã đích thân tham dự một diễn đàn ở Trung Quốc về Sáng kiến Vành đai và Con đường. 

Sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên khi quan hệ giữa quốc gia này với EU và Mỹ ngày một rạn nứt. Tính trong năm 2020, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch nhập khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2019.

Nhà phân tích Ali Merthan Dundar từ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Ankara nhận định:"Phù hợp với mục đích của sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án kênh đào Istanbul có thể thu hút sự quan tâm từ Trung Quốc cả về tài chính lẫn xây dựng và vận hành, với điều kiện là họ nhận được những lợi ích hấp dẫn khi tham gia”.

Còn ông Selcuk Colakoglu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương thì cảnh báo thêm rằng: “Bất cứ quốc gia nào sẵn sàng tài trợ cho dự án này, đó chắc chắn không phải một quyết định tài chính thuần túy. Nó sẽ đi kèm các ràng buộc chính trị và ngoại giao”.


NTTD
Cùng chuyên mục