Nhà ở xã hội cao kỷ lục 20 triệu đồng/m2: Đắt bởi tâm lý tận thu?
Mới đây, dư luận không khỏi xôn xao khi một dự án nhà ở xã hội được công bố mức giá lên tới 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT, nhưng chưa gồm kinh phí bảo trì).
Dự án nói trên thuộc dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ (Hà Nội). Dự án này có 427 căn để bán, 11 căn cho thuê với quy mô 1.630 người. Giá theo phê duyệt tạm tính của chủ đầu tư: Trung bình khoảng 19,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và chưa bao gồm kinh phí bảo trì).
Theo công bố của chủ đầu tư, số căn hộ dự kiến mở bán giai đoạn 1 là 245 căn nhà xã hội ở tòa nhà tại lô đất HH-01 và số căn hộ dự kiến mở bán giai đoạn 2 là 182 căn nhà xã hội ở tòa số 4 lô đất HH-02.
Thời gian dự kiến tiếp nhận hồ sơ giai đoạn 1 từ ngày 12/2 đến 27/3/2020. Thời gian dự kiến ký hợp đồng mua căn hộ tháng 3/2020. Thời điểm bàn giao căn hộ dự kiến quý 2/2021.
Theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Alaska.
Mức giá này được xem là khá cao so với mặt bằng trung bình dao động ở 16 - 16,6 triệu đồng/m2.
Trao đổi với Etime, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định, nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư được Nhà nước cho rất nhiều ưu đãi: miễn tiền sử dụng đất; được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% và thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) là 5%; được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng.
Nguyên tắc và cơ chế xác định giá bán nhà ở xã hội đã được Nhà nước quy định rõ ràng và cụ thể như sau:
Giá bán nhà ở phải được Chủ đầu tư xác định trên cơ sở lợi nhuận định mức không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; Giá bán nhà ở được xác định dựa trên diện tích sử dụng căn hộ (diện tích thông thủy); Trong trường hợp có phần kinh doanh thương mại trong dự án nhà ở xã hội thì phải lấy lợi nhuận thu được từ phần kinh doanh thương mại để làm giảm giá bán nhà ở xã hội; Chủ đầu tư phải căn cứ vào những nguyên tắc trên, tính toán để xác định giá bán và trình cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án để xem xét.
UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức thẩm định và thông báo lại kết quả cho Chủ đầu tư. Giá bán nhà ở xã hội trong dự án không được cao hơn giá đã thẩm định.
Nếu giá bán nhà ở xã hội được xác định theo công thức quy định mà cao hơn hoặc bằng giá bán nhà ở thương mại tương đương trên thị trường thì Chủ đầu tư phải xác định lại giá bán theo tình hình thực tế để đảm bảo thấp hơn giá bán nhà ở thương mại tương đương.
"Quy định thì rõ ràng là vậy, tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều nhà ở xã hội – nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng giá bán lại không hề thấp. Điển hình như trường hợp một dự án nhà ở thương mại đang được bán tại quận Nam Từ Liêm và các quận khác như báo chí nêu.
Tuy yêu cầu giá bán nhà ở xã hội là buộc phải "rẻ", song trên thực tế lại thành "đắt" bởi tâm lý tận thu, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tính sai chi phí đầu vào để tăng giá bán, tăng lợi nhuận hơn mức 10% theo quy định của Bộ Xây dựng", luật sư Bình nói.