Nhiều năm sôi động, bất động sản du lịch sẽ thoát được phận "con rơi"?
Chia sẻ tại "Hội thảo khoa học quốc tế Chính sách, pháp luật về Bất động sản du lịch - những vấn đề đặt ra cho Việt Nam" vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, có hai vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm sao để phát triển du lịch Việt Nam mạnh, bền vững và chính sách pháp luật về bất động sản du lịch cần khơi thông như thế nào?
"Chúng ta chưa thực sự đặt bất động sản du lịch song song với các mô hình bất động sản khác để phát triển. Vì vậy, hệ thống pháp luật giai đoạn 2015 của chúng ta chưa nêu rõ, nên cách hiểu, cách triển khai có sự khác nhau", ông Khởi nhấn mạnh.
Theo vị lãnh đạo Bộ Xây dựng này, hiện nay bất động sản du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đến việc quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật Đất đai hay pháp luật Kinh doanh bất động sản hiện hành thì không có các khái niệm riêng cho loại hình bất động sản du lịch, trong đó có condotel, resort villa, farmhouse… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ.
"Những vấn đề trên dễ gây lúng túng trong quá trình thực hiện của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và chính quyền địa phương, phát sinh những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, mua bán loại hình bất động sản này, cũng có trường hợp địa phương xác định đây là loại hình nhà ở nhưng không phải là đơn vị ở", ông Khởi chia sẻ.
Để xử lý những vấn đề bất cập nêu trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, từ năm 2018, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư xây dựng các dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, các khó khăn, vướng mắc về đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành có liên quan đến các loại hình công trình này.
Theo đó, pháp luật hiện hành liên quan quy định về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đối với các loại hình bất động sản mới đã có và được quy định tương đối đầy đủ, mặc dù không xác định tên gọi riêng như pháp luật du lịch nhưng đều xác định đây là công trình dịch vụ, thương mại được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, để bảo đảm điều chỉnh đầy đủ hơn, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương, các chủ đầu tư dễ dàng thực hiện thì các cơ quan liên quan cần tiếp tục hoàn thiện một số quy định có liên quan về quy chuẩn, tiêu chuẩn, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và quản lý kinh doanh loại hình này.
Đơn cử, quy định về chế độ sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với một số loại hình bất động sản lưu trú: Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xác định đây là loại đất thương mại, dịch vụ, sử dụng có thời hạn. Tuy nhiên, để hoàn thiện đầy đủ hơn thì Bộ này cũng đang nghiên cứu để báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản Nguyễn Mạn Khởi, 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh và quản lý sử dụng bất động sản du lịch về: Cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản du lịch, nhất là các loại hình mới như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch; hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản du lịch; quản lý, sử dụng vận hành loại hình bất động sản du lịch; thực thi pháp luật thì Trung ương cũng cần yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về giao đất, cho thuê đất, quản lý đầu tư xây dựng, kinh doanh các loại hình bất động này theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể.
Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường bất động sản du lịch Việt Nam đã từng có giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có thời điểm lên đến cao trào với nhiều sản phẩm mới và trở thành một phân khúc nóng thu hút sự quan tâm bậc nhất của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến 2019, trên thị trường đã xuất hiện những sự đổ vỡ nhất định, đặc biệt là về vấn đề sở hữu và cam kết lợi nhuận của Condotel. Nguyên nhân là do sản phẩm này đã phát triển một cách ồ ạt trên thị trường nhưng pháp lý vẫn đi sau, chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về các tiêu chí để quản lý và vận hành.
"Để thị trường có động lực phục hồi và phát triển một cách minh bạch, bền vững, tương xứng với các tiềm năng thì không thể không hoàn thiện khung pháp lý cho bất động sản du lịch. Theo đó, phân khúc này cần có sự định danh một cách rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật.