Thị trường thời trang cao cấp tại Trung Quốc nóng trở lại sau đại dịch Covid-19

20/04/2020 13:36 GMT+7
Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết lệnh phong tỏa trên cả nước, nhu cầu mua sắm hàng thời trang xa xỉ đang dần tăng lên ở thị trường tỷ dân.
Thị trường thời trang cao cấp tại Trung Quốc nóng trở lại sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Trung Quốc đóng góp hơn 1/3 tổng doanh thu các mặt hàng thời trang xa xỉ, đây được coi là thị trường quan trọng bậc nhất của cả ngành thời trang cao cấp

Nhiều nhãn thời trang xa xỉ coi đây là tín hiệu tích cực nhằm cứu vãn ngành công nghiệp thời trang cao cấp vốn đang lao đao vì đại dịch Covid-19.

Tập đoàn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực kinh doanh thời trang xa xỉ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton mới đây thông báo các cửa hàng của mình đang đón tiếp ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm, ngay sau khi họ mở cửa trở lại tại thị trường đại lục vào đầu tháng Ba. Tập đoàn LVMH hiện sở hữu nhãn hiệu Louis Vuitton cũng như hàng loạt nhãn hàng xa xỉ khác như Dior, Fendi… 

Theo ông Jean-Jacques Guiony- giám đốc tài chính LVMH, doanh thu của các nhãn hàng này ở thị trường Trung Quốc nửa cuối tháng Ba tăng hơn hẳn so với cùng kì năm ngoái. Vị CFO nói thêm rằng tỷ lệ tăng trưởng doanh số với các nhãn hàng xa xỉ tăng đến 50% ở thị trường Trung Quốc, điều này cho thấy nhu cầu lớn của người Trung Quốc với các sản phẩm xa xỉ sau khoảng thời gian ngưng mọi hoạt động tiêu thụ khi nước này tuyên bố tình trạng phong tỏa. 

Dù người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang dần quay trở lại nhịp độ tiêu thụ thông thường, mức chi tiêu trong cả quý với các sản phẩm thời trang cao cấp ở Trung Quốc vẫn giảm. Người tiêu dùng Trung Quốc vốn thường chi mạnh tay cho các sản phẩm thời trang xa xỉ trong các chuyến du lịch những thủ đô lớn ở Châu Âu hay các thành phố lớn ở Mỹ. Nhưng khi hoạt động du lịch gần như đóng băng vì đại dịch, doanh thu với các sản phẩm thời trang xa xỉ toàn cầu vẫn đang ở mức thấp, và khả năng phục hồi tăng trưởng vẫn là câu hỏi để ngỏ. 

Trong quý I/2020, doanh thu toàn cầu của tập đoàn LVMH là 11,5 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kì năm ngoái. Điều này không nằm ngoài dự đoán của chuyên gia. Các cửa hàng của LVHM tại Trung Quốc phải đồng loạt đóng cửa từ đầu tháng Hai và nửa đầu tháng Ba, khi đại dịch càn quét các thành phố nước này. Các cửa hàng LVMH ở Châu Âu và Mỹ cũng đều đóng cửa từ tháng Ba sau khi nhiều chính phủ ban hành hạn chế kiểm dịch để ngăn chặn đại dịch lan rộng. 

Tập đoàn kinh doanh mỹ phẩm lớn nhất thế giới L’Oréal cũng báo cáo rằng nhu cầu mua sắm sản phẩm xa xỉ đang được phục hồi ở thị trường Trung Quốc. Tập đoàn này hiện sở hữu nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm thuộc thương hiệu danh tiếng như Armani hay Yves Saint Laurent. Theo L’Oreal, doanh thu toàn cầu của tập đoàn này giảm 8% trong quý đầu năm 2020, nhưng thị trường Trung Quốc đang cho thấy tín hiệu tích cực. 

LVMH hiện sở hữu 75 nhãn hiệu thời trang và có cửa hàng ở hàng chục quốc gia. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, tập đoàn này gặp phải khó khăn từ đối thủ cạnh tranh tuy nhỏ hơn nhưng có những tiếng vang nhất định trong giới thời trang. LVHM cho biết đang thực hiện mọi biện pháp nhằm bảo toàn dòng tiền trong đại dịch, bao gồm thương lượng để giảm giá thuê mặt bằng cửa hàng ở nhiều quốc gia. 

Các chuyên gia dự đoán tâm lý hậu khủng hoảng đại dịch Covid-19 có thể mang lại tín hiệu khả quan cho các nhãn hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Hermès, Chanel và Gucci. Theo chuyên gia từ ngân hàng HSBC, nhu cầu mua sắm đồ xa xỉ hiện chỉ đang bị trì hoãn và sẽ được phục hồi ngay khi đại dịch được kiểm soát.

Vân Anh
Cùng chuyên mục