Vodka Hà Nội: Niềm tự hào của Hà Nội ngày càng "nát tươm"
Tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898, đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ. Sau nhiều năm biến động, nhà máy rượu năm nào đã trở thành Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico).
Ngày càng "nát tươm"
Vodka Hà Nội của Halico là một trong những sản phẩm "quốc dân" của hàng chục năm về trước. Có thời kỳ, Vodka Hà Nội gần như làm chủ thị trường. Đến năm 2012, Vodka Hà Nội góp phần không nhỏ giúp Halico đạt kỷ lục về lợi nhuận.
Thế nhưng, đáng tiếc, sau đó, ông lớn ngành cồn rượu Hà Nội liên tục tuột dốc, tuột dốc đến mức "nát tươm". Báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2019 của Halico lại một lần nữa kéo dài chuỗi ngày kinh doanh bết bát của Halico.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019, trong kỳ, công ty lỗ 8,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số lỗ 23,5 tỷ đồng quý 4/2018, lũy kế cả năm 2019 lỗ 64,1 tỷ đồng, giảm so với khoản thua lỗ 78,4 tỷ đồng năm 2018.
Điều đáng nói, sau chuỗi ngày tuột dốc triền miên, tính tới ngày 31/12/2019, tổng lỗ lũy kế của Halico đã lên đến 403 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu của công ty chỉ là 200 tỷ đồng. Rất may, thập kỷ trước, Halico lãi lớn, nên công ty không bị âm vốn chủ sở hữu.
Thị phần sụt giảm đã và đang là những đòn chí tử giáng vào Halico. Trong nhiều năm qua, sản phẩm chủ đạo của Halico là Vodka. Vodka có nhiều nhãn hiệu như Vodka Hà Nội S120, Vodka Hà Nội Premium, Vina Vodka, Vodka Hà Nội, Vodka 94 Lò Đúc và Lúa mới.
Tuy nhiên, những sản phẩm này không có nhiều đổi mới nên đã chịu áp lực rất lớn từ rượu nhập ngoại. Vì vậy, thị phần Vodka Hà Nội ngày càng thu hẹp hơn. Chỉ tiêu doanh thu đã thể hiện rõ điều này.
Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2019 của Halico chỉ đạt 37,1 tỷ đồng, giảm 11,2 tỷ đồng, tương đương 30,2% so với quý 4/2018, lũy kế năm 2019 đạt 144,5 tỷ đồng, giảm 6,3 tỷ đồng so với năm 2018.
Vì doanh thu giảm nên Halico phải nỗ lực cắt giảm chi tiêu để hạn chế thua lỗ. Trong quý 4/2019, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 14,9 tỷ đồng xuống còn 4,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm từ 14,8 tỷ đồng xuông 10,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu "xác sống"
Cũng giống như CAB của VTVCab, HNR của Halico nằm trong danh sách các cổ phiếu "xác sống" – cổ phiếu có rất ít có giao dịch diễn ra thành công.
HNR chào sàn từ ngày 8/6/2018 và không nhận được bất cứ sự quan tâm nào của nhà đầu tư. Vì vậy, trong phiên đầu tiên trên thị trường chứng khoán, HNR đứng im ở mức giá 31.900 đồng/CP. Không giao dịch nào được thực hiện.
Phải đến 30/11/2018, HNR mới phát sinh giao dịch, giảm xuống còn 20.000 đồng/CP. Thanh khoản cực kỳ thấp, chỉ có 300 cổ phiếu, tương đương 6 triệu đồng được giao dịch thành công.
Sau đó, HNR chấp nhận thân phận cổ phiếu "xác sống" cho tới ngày 24/1/2019, HNR bất ngờ giảm sàn, giảm 8.000 đồng/CP, tương ứng 40% xuống 12.000 đồng/CP. Trong phiên, chỉ có 300 cổ phiếu, tương đương trị giá 3,6 triệu đồng được trao tay.
Kể từ đó tới nay, HNR vẫn duy trì thị giá 12.000 đồng/CP. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình trong 10 phiên gần đây của HNR là 0 đơn vị. Ở thị giá này, vốn hóa thị trường Halico đạt 240 tỷ đồng.
Chênh lệch thu nhập
Halico chưa báo cáo tình hình thu nhập của người lao động năm 2019 nhưng số liệu của 2018 cho thấy thu nhập tại Halico có nhiều chênh lệch lớn.
Trong năm 2018, số lượng người lao động đã giảm xuống dưới 300 người. Cùng với đó, quỹ lương cũng giảm sút. Người lao động Halico nhận mức thù lao bình quân 8,3 triệu đồng/người/tháng, tương đương 99,6 triệu đồng/người/năm.
Trong khi đó, lãnh đạo có thù lao cao hơn và mức chênh lệch giữa các lãnh đạo là rất lớn. Tại Halico, người có thu nhập vượt trội không phải Chủ tịch hay Giám đốc mà là Phó Giám đốc bán hàng. Trong năm 2018, người này được trả 899 triệu đồng/năm, tương đương 74,9 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách "chỉ" được trả 376 triệu đồng/năm, tương đương 31,3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận 48 triệu đồng/tháng, tương đương 576 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trong năm 2018, ông Thanh chỉ được nhận 6 tháng lương nên số tiền thực lĩnh của ông là 288 triệu đồng.
Trong khi đó, đáng chú ý là các thành viên Hội đồng quản trị lại nhận mức lương cao hơn Chủ tịch, lên đến 52,8 triệu đồng/người/tháng, tương đương 633,6 triệu đồng/người/năm. Các lãnh đạo đó là ông Trần Hậu Cường, Lê Việt Dũng, Trần Văn Trung và ông Shivam Misra.