Bị Trump cự tuyệt, Chính quyền Tập Cận Bình vẫn liên tiếp thúc giục dỡ bỏ thêm thuế quan
Hôm 14/11, Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nhấn mạnh trong cuộc họp báo hàng tuần trước giới truyền thông: “Cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng đã bắt đầu bằng những mức thuế quan trừng phạt, và nên kết thúc bằng việc hủy bỏ thuế quan”.
Đây được xem là một trong những nỗ lực của Chính quyền Tập Cận Bình trong việc thúc đẩy Tổng thống Donald Trump hủy bỏ thêm một các mức thuế trong số hàng trăm tỷ USD thuế quan trừng phạt mà ông Trump áp đặt lên Trung Quốc từ đầu cuộc chiến tranh thương mại cho đến nay.
“Nếu cả hai bên đạt đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, mức độ bãi bỏ thuế quan sẽ phản ánh chính xác quy mô và tầm quan trọng của thỏa thuận” - ông Cao Phong nhấn mạnh trong nội dung bài phát biểu. Thương chiến Mỹ Trung đã kéo dài hơn một năm nay, khi Mỹ áp đặt thuế quan trừng phạt lên hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để ép Bắc Kinh thay đổi thể chế luật pháp và các chế tài thương mại. Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng trả đũa thuế quan lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Mỹ, gây tổn thương nặng nề cho kim ngạch thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Hồi tháng 10, lần đầu tiên sau khi đàm phán đổ bể, phái đoàn thương mại hai nước đã nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với nội dung liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc và thay đổi thể chế luật sở hữu trí tuệ vốn đã bị Mỹ lên án lâu nay.
Theo tiết lộ của Tổng thống Donald Trump, phái đoàn Trung Quốc đã cam kết nhập khẩu khoảng 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ để đổi lại việc Mỹ đình chỉ kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự định có hiệu lực vào 15/10.
Thời điểm đó, hai bên thống nhất sẽ gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC tại Chile. Tuy nhiên, Chile sau đó bất ngờ hủy đăng cai APEC do những bất ổn xã hội trong nước, khiến thỏa thuận Mỹ Trung có nguy cơ lùi thời gian ký kết.
Không chỉ gặp khó trong vấn đề địa điểm ký kết thỏa thuận thương mại, Mỹ và Trung Quốc còn đang phải giải quyết những bất đồng cốt lõi liên quan đến nội dung thỏa thuận. Trong những ngày gần đây, phía Bắc Kinh không chỉ liên tiếp thúc giục chính quyền Donald Trump dỡ bỏ thêm thuế quan mà còn lật lại cam kết mua nông sản đã thông qua hồi tháng 10.
Các quan chức Trung Quốc đề nghị không áp đặt mức nhập khẩu nông sản cụ thể 40-50 tỷ USD như Tổng thống Donald Trump tiết lộ, mà muốn tăng mua theo nhu cầu thị trường. Dù phát ngôn viên Bộ Thương mại nước này không đề cập cụ thể đến một yêu sách như vậy, nhưng các cơ quan ngôn luận Nhà nước của Trung Quốc đều nhấn mạnh cụm từ “nhu cầu thị trường” khi đề cập đến cam kết mua nông sản của Mỹ.
Trong bối cảnh thương chiến kéo dài, các doanh nghiệp cũng tìm ra những cách khác nhau để đối phó với thuế quan và căng thẳng thương mại. Một số doanh nghiệp nhập khẩu tại Mỹ tìm kiếm các đối tác cung ứng hàng hóa từ Việt Nam hay Đài Loan để thay thế cho hàng Trung Quốc bị áp thuế đắt đỏ. Còn các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc cũng tìm kiếm thị trường để chuyển dịch hoạt động sản xuất kinh doanh trước những động thái cứng rắn từ Chính quyền Donald Trump.
“Từ góc độ khu vực, chúng tôi đã nhận thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong kim ngạch xuất khẩu từ các thị trường như Việt Nam hay Đài Loan đến Mỹ - trích lời chuyên gia Nick Marro từ The economist Intelligence Unit. Có vẻ như, thị trường đang ngày càng thích nghi với những diễn biến ảm đạm của căng thẳng Mỹ Trung.