"Bội thu" nhờ cổ phiếu, tỷ phú giàu nhất châu Á sắp tiến vào "câu lạc bộ 100 tỷ USD"

05/09/2021 12:19 GMT+7
Cuối tuần qua, tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani đã chứng kiến khối tài sản ròng tăng 3,7 tỷ USD khi giá cổ phiếu tăng vọt.

Trong phiên giao dịch hôm 3/9, cổ phiếu đế chế Reliance do tỷ phú Mukesh Ambani điều hành đã tăng vọt 4,1% lên mức kỷ lục mới, qua đó nâng giá trị tài sản ròng của ông này tăng theo. 

Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, tính đến sáng 5/9 (giờ Việt Nam), tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 92,6 tỷ USD. Xếp ngay trên tỷ phú Ambani một bậc là “bóng hồng” của ngành mỹ phẩm Pháp, bà Francoise Bettencourt Meyers, người nắm trong tay đế chế L'Oreal với giá trị tài sản ròng 92,9 tỷ USD. Bà Francoise Bettencourt Meyers hiện cũng là người phụ nữ giàu nhất thế giới.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, tổng tài sản của ông Mukesh Ambani đã tăng 12,7 tỷ USD cho đến nay. Chủ tịch Reliance Industries hiện là người giàu thứ 12 hành tinh, giàu hơn cả nhà sáng lập Dell - Michael Dell. 

"Bội thu" nhờ cổ phiếu, tỷ phú giàu nhất châu Á sắp tiến vào "câu lạc bộ 100 tỷ USD" - Ảnh 1.

"Bội thu" nhờ cổ phiếu, tỷ phú giàu nhất châu Á sắp tiến vào "câu lạc bộ 100 tỷ USD" (Ảnh: Getty Images)

Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani là một trong những tập đoàn quyền lực nhất Ấn Độ với hoạt động kinh doanh trải rộng trên khắp mọi lĩnh vực viễn thông, giải trí, thương mại điện tử, nông nghiệp, bán lẻ, thời trang, dầu khí… 

Đế chế này đã trải qua một năm 2020 thăng hoa khi huy động được hàng tỷ USD đầu tư từ những gã khổng lồ công nghệ ở thung lũng Silicon (Mỹ) như Google hay Apple vào dự án mạng viễn thông & kỹ thuật số Jio Platforms. Hiện mảng viễn thông của Reliance đang vươn lên thống trị thị trường Ấn Độ trong khi mảng kỹ thuật số đầy tiềm năng nhờ sự hậu thuẫn của hàng loạt ông lớn công nghệ Mỹ bao gồm Facebook. Trong lĩnh vực lọc dầu, công ty dầu khí quốc doanh Saudi Arabia là Saudi Aramco đang tìm cách mua lại cổ phần trong lĩnh vực lọc dầu của Reliance trong một thỏa thuận được tiết lộ có giá trị tới 25 tỷ USD.

Trong năm nay, tỷ phú Ambani cũng công bố kế hoạch đầy tham vọng về khoản đầu tư 10 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng sạch, một bước ngoặt mới của tập đoàn hàng đầu Ấn Độ. Hướng đi này phù hợp với tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu nhập khẩu dầu vào trong nước. Ấn Độ hiện là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba hành tinh.

Trái ngược với sự giàu lên nhanh chóng của tỷ phú Mukesh Ambani, phần lớn dân số Ấn Độ đang vật lộn với tình trạng bất ổn kinh tế do hệ quả của từ làn sóng đại dịch hồi quý II năm nay.

Một báo cáo của Credit Suisse công bố tháng 6 qua cho thấy trong năm ngoái, tỷ lệ tài sản do 1% người giàu nhất Ấn Độ sở hữu đã tăng vọt 7% lên 40,5% trong bối cảnh Ấn Độ áp dụng hàng loạt biện pháp phong tỏa quốc gia nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch. Cũng theo báo cáo này, hệ số Gini của Ấn Độ - một thước đo phổ biến về bất bình đẳng - đã tăng từ 74,7 vào năm 2000 lên 82,3 vào năm 2020. Con số này càng cao càng phản ánh sự chênh lệch thu nhập lớn giữa người giàu và người nghèo trong xã hội.

Ấn Độ đã rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế trong năm ngoái sau đợt đóng cửa đất nước kéo dài gần 4 tháng. Mặc dù nền kinh tế Nam Á này nhanh chóng chứng kiến dấu hiệu phục hồi trong năm nay, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ lại tăng lên mức kỷ lục vào tháng 5/2021 khi làn sóng dịch mới càn quét quốc gia. 

Theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đã giảm 32 triệu người vào năm ngoái do hậu quả của suy thoái kinh tế.

Nhà nghiên cứu cấp cao Rakesh Kochhar của Pew viết trong một bài đăng vào tháng 3/2021: "Số người nghèo ở Ấn Độ (được tính là những đối tượng có thu nhập dưới 2 USD/ngày) ước tính đã tăng 75 triệu người". Con số này chiếm tới 60% tỷ lệ nghèo đói tăng lên trên toàn cầu trong đại dịch, chưa tính đến những người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo đói do làn sóng dịch nghiêm trọng gần đây.


NTTD
Cùng chuyên mục