'Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là động lực quan trọng để Việt Nam phát triển'
Nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam gồm ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán; và ông Vũ Bình Minh, CFA, Giám Đốc Kinh Doanh Trái Phiếu và Sản Phẩm Lãi Suất, Khối Thị Trường Vốn và Dịch vụ Chứng Khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam trong thông điệp "Góc nhìn chuyên gia" phát đi ngày 20/12/2024 với tựa đề: 2024 - Những nốt thăng trầm, cho rằng, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia năng động bậc nhất châu Á cũng như thế giới, nhanh chóng nắm bắt xu thế lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển.
"Chuyển đổi kép – chuyển đổi xanh và chuyển đổi số" đang trở thành xu hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia, giúp họ hướng đến đồng thời các mục tiêu phát triển bền vững và số hóa, khai thác tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi kép này.
Trung Quốc, nền kinh tế số lớn nhất thế giới, đã triển khai sáng kiến "Dữ liệu miền Đông, điện toán miền Tây" nhằm dịch chuyển các trung tâm dữ liệu từ khu vực miền Đông vốn hạn chế về tài nguyên đất đai và năng lượng sang khu vực miền Tây đất nước nhằm tận dụng điều kiện thời tiết mát hơn, năng lượng sạch và các nguồn tài nguyên với chi phí hiệu quả.
Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia năng động bậc nhất châu Á cũng như thế giới, cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế này, lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển.
"Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ trong việc bắt nhịp chuyển đổi kép. Chẳng hạn, Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Năm 2025 sẽ là một năm bản lề bởi Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong năm tới, chẳng hạn như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP và tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%", trích báo cáo 2024 – những nốt thăng trầm, HSBC Việt Nam.
Hưởng ứng những nỗ lực này, các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn. Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư). Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh.
Theo khảo sát năm 2022 của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. 48,7% doanh nghiệp nói rằng cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân công bố năm 2024.
Thực tế, Việt Nam có những thuận lợi nhất định để triển khai chuyển đổi kép.
Thứ nhất, những yếu tố nhân khẩu học như dân số 100 triệu với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gần 70%, gần 80% dân số sử dụng internet, số lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với thập kỷ trước… đã góp phần mở ra tiềm năng lớn về tiêu dùng số cho Việt Nam. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, Việt Nam là một trong nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ASEAN, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 16%. Xét về tổng giá trị hàng hóa giao dịch (gross merchandise value), Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai vào năm 2030.
Thứ hai, Việt Nam cũng là một quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Là nước có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất Đông Nam Á để phát triển điện gió và năng lượng mặt trời, Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia đang phát triển về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức.
Trước hết, làm thế nào để nâng cao trình độ hiểu biết về chuyển đổi số của Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đáng khích lệ là Chương trình chuyển đổi số quốc gia là một ví dụ cho thấy những nỗ lực của Chính phủ tìm cách đóng vai trò tích cực để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế. Nhìn chung, số hóa mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Để tận dụng nhân khẩu học thuận lợi và đạt được tham vọng số của mình, các khoản đầu tư cần được chuyển hướng không chỉ vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI) mà còn vào các lĩnh vực nền tảng như giáo dục số và cơ sở hạ tầng truyền thống.
Bên cạnh đó, cả hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ. Vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD, chưa đến một nửa vốn đầu tư cần thiết. Chi phí đầu tư là thách thức hàng đầu trong chuyển đổi số, theo 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Bộ KH&ĐT và USAID. Do đó, ngân hàng toàn cầu như HSBC có vai trò tạo điều kiện khơi thông dòng chảy vốn, kết nối nhà đầu tư, cung cấp cho khách hàng kiến thức chuyên môn liên quan và dẫn vốn đi đúng hướng.
Một điểm quan trọng nữa trong năm sau chính là cần tiếp tục tập trung đầu tư cho hạ tầng, vì đây là một trong nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI chất lượng vào Việt Nam. Chính phủ đang cho thấy một thái độ rất quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào nhiều dự án hạ tầng chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế. Đây là sẽ một bệ phóng quan trọng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình.