Đa dạng hóa sản phẩm trái cây để chinh phục thị trường thế giới
80% hoa quả đi đường chính ngạch sang Trung Quốc
Theo thống kê, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 2,8 tỷ USD. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo toàn ngành chỉ đạt kim ngạch bằng năm 2018, khó đạt được đến kế hoạch đã đề ra trong năm nay, từ 4- 4,2 tỷ USD.
Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam những tháng qua liên tục sụt giảm do thị trường Trung Quốc đã siết chặt hơn rất nhiều, trong khi đây là thị trường lớn, chiếm khoảng 74% tổng xuất khẩu rau quả của nước ta. Tỷ lệ hoa quả theo đường biên mậu (tiểu ngạch) ngày càng giảm xuống, chỉ còn 20%, đồng nghĩa 80% còn lại là chính ngạch nên nhiều trái cây Việt không thể xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Su De Mao, Hội trưởng Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả China - Asean Bằng Tường, cho biết Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng, đã tiêu thụ một lượng lớn hoa quả của Việt Nam, trong đó phải kể đến các loại trái cây như thanh long, dưa hấu và xoài. Tuy nhiên sản lượng và giá thành xuất khẩu thường xuyên không ổn định do sự cạnh tranh từ chính thị trường nội địa.
"Một số hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang thì Trung Quốc cũng sản xuất, trồng trọt, ví như dưa hấu. Từ đó, thời điểm Trung Quốc vào mùa sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của Việt Nam. Cho nên quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt Nam phải nắm được thông tin từ thị trường Trung Quốc", ông Su De Mao nói.
Những nơi khác tuy có tăng trưởng nhưng do kim ngạch còn thấp nên không thể bù nổi sự sụt giảm từ khu vực này.
Thay đổi hướng đi để tăng giá trị xuất khẩu
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, ngoài tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, trái cây nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung cần phải đầu tư khâu chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
Thực tế là dù trái cây tươi rất nhiều và giá thành rất rẻ nhưng những sản phẩm chỉ cần qua chế biến đơn giản như rau củ sấy nhưng cung lúc nào cũng không đủ cầu. Những loại trái cây quen thuộc của địa phương như chuối, mít cũng nhờ thế rộng đường tiêu thụ.
Tại một doanh nghiệp khác, chỉ riêng năm 2018 đã xuất khẩu khoảng 5.000 tấn nước ép trái cây các loại, ước doanh thu hơn 6 triệu USD. Quan trọng hơn của việc chế biến sâu là đa dạng được sản phẩm, chủ động giá cả, đầu ra và nâng cao khả năng cạnh tranh.
1 kg thanh long đôi lúc xuống giá chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng nhưng được chế biến thành dạng nước ép có thể bán từ 1 - 2 USD/sản phẩm. 1 kg chuối bán tại vườn chỉ khoảng 5.000 đồng nhưng khi sấy khô có giá 70.000 đồng.
Việt Nam đang là quốc gia sản xuất thanh long lớn nhất châu Á với diện tích gần 50.000ha và sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. Dù diện tích và sản lượng lớn nhưng giá cả và đầu ra của mặt hàng này liên tục bấp bênh. Cụ thể, trong vài tuần trở lại đây, giá thanh long tại ĐBSCL liên tục sụt giảm, chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg, thấp hơn 50% so với hồi đầu năm. Tình trạng này khiến nhà vườn "đứng ngồi không yên". Để giải quyết khó khăn đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc phải tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung thay vì làm manh mún, nhỏ lẻ thì cần nhanh chóng liên kết sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao và sản lượng lớn, quả thanh long của nước ta mới có thể chủ động về giá cả và đầu ra.
Hiện xuất khẩu thanh long đang chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi của cả nước với giá trị đạt gần 1,2 tỷ USD, nhưng có đến 80% là xuất khẩu trái tươi. Do đó, giải pháp đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thanh long là rất cấp thiết. Tại Bình Thuận, nhiều sản phẩm chất lượng cao từ quả thanh long đã ra đời như: thanh long sấy dẻo, rượu thanh long,… rất được thị trường ưa chuộng.
Điều này cho thấy đa dạng hóa sản phẩm trái cây chính là chìa khóa của việc tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tuy nhiên, dù thị trường cần nhưng chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quan trọng.