Giá cà phê Robusta tiếp tục suy yếu, cà phê nội mất giá 300 đồng/kg

14/03/2023 14:38 GMT+7
Lo ngại rủi ro tăng cao khiến các tiền tệ mới nổi rơi vào thế bất lợi đã duy trì giá cà phê kỳ hạn trái chiều. Giá cà phê hôm nay (14/3) giảm 300 đồng/kg trên thị trường trong nước. Trong đó, mức giao dịch thấp nhất là 47.100 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng.

Giá cà phê hôm nay 14/3: Giảm 300 đồng/kg trên thị trường nội địa

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 27 USD, xuống 2.113 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm thêm 27 USD, còn 2.104 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 1,40 cent, lên 179,20 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 1,15 cent, lên 178,25 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê Robusta tiếp tục suy yếu, cà phê nội mất giá 300 đồng/kg - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 14/03/2023 lúc 13:48:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê Robusta tiếp tục suy yếu, cà phê nội mất giá 300 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 14/03/2023 lúc 13:48:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê Robusta tiếp tục suy yếu, cà phê nội mất giá 300 đồng/kg - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 300 – 400 đồng, xuống dao động trong khung 47.100 - 47.500 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 300 – 400 đồng, xuống dao động trong khung 47.100 - 47.500 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 47.100 đồng/kg. Kế đến là Gia Lai và Đắk Nông với cùng mức 47.400 đồng/kg. Cùng lúc, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk duy trì ở mức 47.500 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.

Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối xu hướng trái chiều ngay khi khủng hoảng Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ sụp đổ, báo hiệu một cuộc khủng hoảng mới sắp xảy ra, khiến các giới đầu tư nhớ lại sự kiện Lehman Brother năm 2008 nên vội vàng dịch chuyển dòng vốn tìm nơi trú ẩn an toàn làm giá vàng tăng vọt. 

Rủi ro tăng cao sẽ khiến Fed cân nhắc trong việc tăng lãi suất sắp tới. Trong khi giá cà phê Arabica tiếp tục được hỗ trợ sau báo cáo xuất khẩu từ các nước sản xuất chính ở Nam Mỹ sụt giảm. Đặc biệt Brazil xuất khẩu tháng 2 giảm tới 33,3% và có khả năng sẽ còn giảm trong vài tháng nữa, Colombia chỉ còn trông chờ vào vụ “mitaca” sẽ thu hoạch giữa năm. 

Trái lai, giá cà phê Robusta tiếp nối đà giảm sau báo cáo xuất khẩu tháng 2 tăng tới 40,35% so với tháng trước của nhà sản xuất lớn nhất thế giới và báo cáo tồn kho ICE = London đang có sự cải thiện đáng kể trong tuần qua.

Tỷ giá đồng Reais giảm thêm 1,17% xuống ở mức 1 USD = 5,2690 R$ do lo ngại rủi ro tăng cao, đã khiến giá cà phê trên thị trường xuất khẩu thế giới sụt giảm.

Theo báo cáo thị trường tháng 2/2023 của Tổ chức Cà phê Quốc tế ( ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 chỉ đạt tổng cộng 9,27 triệu bao, giảm 13,93% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm là do chỉ số giá tổng hợp (I-CIP) trong tháng 1 đã tăng tới 11,4%.

Thực tế theo Cecafe, giá cà phê Arabica trên sàn New York đã phục hồi trong thời gian gần đây, nhưng vẫn thấp hơn thị trường nội địa Brazil. Trong khi đó, lượng tồn kho xuống thấp sau hai vụ mùa yếu kém khiến người nông dân không muốn bán ra ở mức giá hiện tại.

Tồn kho trên sàn London tăng nhiều hơn so với New York khiến giá cà phê trên hai sàn giao dịch tiếp tục trái chiều.

Dữ liệu xuất khẩu cà phê trong tháng 02/2023 từ những quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê đã phần nào khiến thị trường tiêu dùng giảm bớt mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.

Giá cà phê Robusta tiếp tục suy yếu, cà phê nội mất giá 300 đồng/kg - Ảnh 4.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong 2 tháng đạt 2.177 USD/tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường lớn tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 02/2023 đạt 200.056 tấn, trị giá 435 triệu USD, tăng 40% về lượng và trị giá so với tháng trước đó. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 342.352 tấn, thu về 745,3 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và 9,5% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong 2 tháng đạt 2.177 USD/tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nước, tính đến ngày 10/3 giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động ở mức 47.800 – 48.200 đồng/kg, tăng khoảng 20% (khoảng gần 8.000 đồng/kg) so với đầu năm nay.

Đây là mức giá giao dịch cao nhất trong 5 tháng trở lại đây và chỉ kém khoảng 2.500 đồng/kg so với mức đỉnh 50.700 đồng/kg đạt được vào cuối tháng 8 năm ngoái.

Lý giải cho đà tăng giá cà phê vừa qua, các chuyên gia cho biết thị trường cà phê vừa rồi tăng giá chủ yếu giá cà phê thế giới tăng cao do những thông tin bất lợi từ hoạt động sản xuất của Brazil.

Theo đó, thời gian qua, các vùng trồng cà phê của quốc gia này liên tục hứng chịu những tác động bất lợi của thời tiết xấu như lũ lụt, sương muối.

Các nhà đầu cơ lớn trên thế giới tập trung mua vào để trữ hàng, dẫn tới đẩy giá cà phê thế giới cao hơn và giá cà phê trong nước cũng tăng theo.

Ngoài yếu tố kể trên, việc các nước xuất khẩu lớn chậm bán ra cũng góp phần đẩy giá cà phê tăng cao trong thời gian qua bất chấp lãi suất có thể tăng hơn nữa ở hầu hết ngân hàng trung ương các nước.

Báo cáo tháng 2 của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 1/2023) chỉ đạt 39,9 triệu bao, giảm 6% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Cùng với giá đang ở mức cao, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn duy trì xu hướng tích cực trong 2 tháng đầu năm nay.

Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam sau 2 tháng, chiếm 41% khối lượng xuất khẩu với 141.179 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại EU, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức tăng 1,3%, Italy tăng 43,8%, Tây Ban Nha tăng 7,8%, Hà Lan tăng 93,1%... Nhưng riêng xuất khẩu sang Bỉ giảm mạnh 42,9%.

Tương tự, xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ cũng tăng tới 47,2%, đạt 24.138 tấn; Nga tăng 28,9%, đạt 19.820 tấn; Algeria tăng 117,1%...

Đặc biệt, một số nước có thế mạnh về trồng cà phê cũng tăng rất mạnh khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam như Mexico tăng gấp 6,7 lần (đạt 6.832 tấn), Indonesia tăng 2,6 lần (đạt 6.755 tấn), Ấn Độ tăng 74,2% (đạt 6.329 tấn).

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục