Nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ có cần thêm gói kích thích 480 tỷ USD?

23/08/2021 11:02 GMT+7
Andrew Hunter, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics cho hay: “Thật khó để tranh luận rằng Fed có cần tiếp tục triển khai các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ nền kinh tế hay không”.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiếp tục chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng, một phần trong các gói kích thích khẩn cấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ tại thời kỳ đại dịch. Nhưng khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ chưa từng có, liệu chương trình này có còn cần thiết?

Đó là câu hỏi chính mà Ngân hàng Trung ương phải đối mặt trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 8 của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed sẽ diễn ra trong tuần này ở Jackson Hole, Wyoming.

Nếu tiếp tục duy trì gói mua tài sản hiện tại, Fed sẽ bơm thêm 480 tỷ USD vào nền kinh tế trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà quan sát xem xét tính cần thiết của gói này. Andrew Hunter, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics cho hay: “Thật khó để tranh luận rằng Fed có cần tiếp tục triển khai các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ nền kinh tế hay không”.

Nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ có cần thêm gói kích thích 480 tỷ USD? - Ảnh 1.

Nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ có cần thêm gói kích thích 480 tỷ USD? (Ảnh: Reuters)

Doanh số bán lẻ tại Mỹ hiện đang ở mức cao hơn đáng kể so với thời điểm trước đại dịch. Thị trường lao động có thêm 943.000 việc làm trong tháng 7, một con số kỷ lục. Lạm phát vọt lên mức hơn 5% trong 3 tháng liên tiếp, mặc dù các quan chức Fed đồng thuận rằng trong dài hạn, lạm phát cao không phải vấn đề lớn với nền kinh tế vì cuối cùng, nó sẽ trở lại mức tiệm cận mục tiêu. Tất cả những yếu tố này đang tạo nên một môi trường hoàn hảo để Fed bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có hiện nay.

Biên bản cuộc họp tháng 7 của FOMC vừa được công bố hồi tuần trước cho thấy Fed có kế hoạch thu hẹp quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) trị giá 120 tỷ USD hàng tháng trước cuối năm nay. Tuy nhiên, các quan chức Fed nhấn mạnh việc thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản không phải là dấu hiệu báo trước một đợt tăng lãi suất sắp xảy ra. Biên bản họp cũng ghi nhận một số thành viên thuộc Fed muốn đợi đến đầu năm 2022 mới bắt đầu quá trình thu hẹp gói 120 tỷ USD.

Hầu hết các nhà đầu tư đồng thuận rằng Fed có thể công bố kế hoạch thu hẹp chương trình QE vào tháng 9, và sau đó bắt đầu triển khai chính thức trước khi bắt đầu năm 2022 dù sự bùng phát của đại dịch Covid-19 do biến thể Delta vẫn là mối đe dọa lớn.

Trong lịch sử, Fed mới chỉ 2 lần tung ra chương trình QE quy mô lớn: một trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và một để đối phó với đại dịch vừa qua. Điều đó khiến thị trường lúng túng trong việc tìm hiểu xem hệ thống tài chính và nền kinh tế thực sẽ phản ứng ra sao khi Fed bắt đầu thu hẹp gói kích thích này. 

Có một số lo ngại rằng thị trường tài chính có thể hoảng loạn, tạo nên “cơn thịnh nộ” như hồi năm 2013, khi tuyên bố của Fed về việc giảm quy mô chương trình mua tài sản đã gây ra một đợt bán tháo mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu. Randall Kroszner, cựu thống đốc Cục Dự trữ Liên bang nhiệm kỳ 2006 đến năm 2009 cho biết: “Luôn có khả năng xảy ra những bất ổn trong ngắn hạn”.

Nhưng nhiều người khác tỏ ra lạc quan hơn, do sự phục hồi của nền kinh tế lần này khác xa thời điểm hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, theo nhận định của ông Michael Skordeles, chiến lược gia vĩ mô cấp cao của Mỹ tại Truist Advisory Services. “Trong rất nhiều ngành, đà phục hồi là vô cùng mạnh mẽ. Điều này không giống hồi năm 2013”.

Ngay cả trong trường hợp thị trường giận dữ, cú sốc trong ngắn hạn được cho là không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế thực, theo cựu Thống đốc Kroszner. Bởi dù Fed có lập tức tăng lãi suất đi chăng nữa, lãi suất cơ bản của Mỹ vẫn sẽ tiệm cận mức thấp kỷ lục mọi thời đại.

Thị trường hiện kỳ vọng Fed có thể bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng ngay trong năm nay mà không gây quá nhiều xáo trộn. “Việc bắt đầu sớm hơn sẽ cho phép Fed rút lại các gói kích thích chậm rãi hơn” - trích lời ông Skordeles.


NTTD
Cùng chuyên mục