Quảng Nam: Phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi, người dân Điện Quang có thu nhập ổn định

16/08/2024 10:35 GMT+7
Trong những năm qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập.

Không để người dân thiếu vốn

Ông Võ Tấn Lũy – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn cho biết: Từ khi thành lập đến nay, phòng giao dịch luôn bám sát các chỉ tiêu, định hướng và chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của Ban đại diện HĐQT NHCSXH cũng như phối hợp với các Hội đoàn thể nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Quảng Nam: Phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi, người dân Điện Quang có thu nhập ổn định - Ảnh 1.

Quan điểm của Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã Điện Bàn là không để người dân thiếu vốn làm ăn nhưng đồng thời phải đúng đối tượng được thụ hưởng. Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi, người dân Điện Quang có thu nhập ổn định - Ảnh 2.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn luôn tận tình hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách nhanh nhất. Ảnh: T.H.

Đặc biệt, sự ra đời của Chỉ thị số 40-CT/TW, cùng với các hoạt động của NHCSXH đã làm thay đổi tích cực nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ Hội nhận ủy thác về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc cùng với NHCSXH triển khai thực hiện tốt việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vì mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn đã tập trung cho vay theo các chương trình, như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường….

Riêng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là hơn 251 tỷ đồng. Nhờ cho vay đúng đối tượng và người dân làm ăn hiệu quả nên tỷ lệ nợ quá hạn đến nay chỉ còn 299 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,05% tổng dư nợ. Điều này chứng tỏ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã phát huy hiệu quả giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quảng Nam: Phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi, người dân Điện Quang có thu nhập ổn định - Ảnh 3.

Có vốn tín dụng chính sách tiếp sức, ông Nguyễn Thanh Hồ (thôn Thành Mỹ, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã xây dựng được trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC. Ảnh: T.H.

Ông Lũy cho biết thêm, quan điểm của Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã Điện Bàn là không để người dân thiếu vốn làm ăn nhưng đồng thời phải đúng đối tượng được thụ hưởng. Nhờ quán triệt tốt quan điểm đó mà những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả tốt, bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thu nhập ổn định nhờ vốn vay ưu đãi

Việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Hồ, Phan Quang Tám, Mai Chức...

Quảng Nam: Phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi, người dân Điện Quang có thu nhập ổn định - Ảnh 4.

Trang trại chăn nuôi bò 3B, heo, gà của ông Hồ cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Ảnh: T.H.

Để minh chứng cho hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, chúng tôi cùng cán bộ NHCSXH thị xã Điện Bàn đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của hộ ông Nguyễn Thanh Hồ (thôn Thành Mỹ, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Ông Hồ cho biết, trước đây ông làm nghề xây dựng, sau dịch không có việc làm, thu nhập bấp bênh. Năm 2022 từ nguồn vốn vay của NHCSXH thị xã Điện Bàn 100 triệu đồng cùng với số tiền tích góp được ông Hồ quyết định thành lập trang trại chăn nuôi theo mô hình VAC.

Ban đầu, do vốn ít nên trang trại chỉ có quy mô khoảng 0,5ha, đến nay quy mô trang trại của ông Hồ đã mở rộng lên hơn 1,5ha với đàn heo 100 con mỗi lứa (200 con/năm), 500 con gà ta thả vườn, 50 con bò 3B.

Quảng Nam: Phát triển chăn nuôi từ vốn vay ưu đãi, người dân Điện Quang có thu nhập ổn định - Ảnh 5.

Mỗi năm ông Hồ xuất chuồng từ 25-30 con bò 3B. Ảnh: T.H.

Được biết, thời gian qua, mô hình nuôi bò 3B đang phát triển rất mạnh tại thị xã Điện Ban, ông Hồ cũng đang tập trung đầu tư vào phát triển đàn bò. Hiện nay, trang trại của ông Hồ cho doanh thu khoảng hơn 2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 150 triệu đồng mỗi năm.

Ông Hồ chia sẻ, vay vốn của NHCSXH được lợi nhiều mặt, đó là thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất cho vay phù hợp. Đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ sát sao của cán bộ tín dụng và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn. Các hoạt động tập huấn của các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp người dân có thêm kiến thức phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, mà đồng vốn vay được sử dụng rất hiệu quả.

"Gia đình tôi vượt qua khó khăn và phất lên được như ngày hôm nay là nhờ sự quan hỗ trợ của chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH thị xã Điện Bàn, đã tiếp thêm động lực cho tôi xây dựng trang trại, tôi rất biết ơn ngân hàng đã cho tôi vay vốn phát triển kinh tế…", ông Hồ phấn khởi nói.

Với diện tích hơn 1,5ha, ông Hồ đã thả nuôi 100 con heo mỗi lứa (200 con/năm), 500 con gà ta thả vườn, 50 con bò 3B. Ảnh: T.H.

Bà Trần Thị Kim Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết: Nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH thị xã Điện Bàn, người dân xã Điện Quang đã đầu tư mở rộng các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, tạo việc làm, cho thu nhập ổn định.

"Thời gian tới, chính quyền xã Điện Quang và các Hội đoàn thể cùng với NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa nhằm tiếp vốn kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế...", bà Xuân cho hay.

Đến 15/08/2024, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn là 548.000 triệu đồng, tăng 17.384 triệu đồng, tỷ lệ tăng 3,4% so với đầu năm, nợ quá hạn 299 triệu đồng, tỷ lệ 0,05%, nợ khoanh 100 triệu đồng tỷ lệ 0,018%. Riêng tại xã Điện Quang có 18 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 722 hộ vay, ủy thác qua 4 Hội đoàn thể, tổng dư nợ là 42.258 triệu đồng, là địa bàn không có nợ quá hạn, tổng số tiền gửi tiết kiệm của tổ viên và dân cư trên địa bàn thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư là 3.799 triệu đồng.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục