Tập Cận Bình đang khủng hoảng chính trị, cần Donald Trump nhượng bộ thuế quan
“Trong khi Tổng thống Donald Trump phải chịu đựng những áp lực chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Donald Trump phải tìm cách duy trì đường lối tư tưởng chính trị nhất quán của mình kể từ hồi tranh cử Tổng thống năm 2016, còn ông Tập Cận Bình lại chịu sức ép về vị trí của mình trong Đảng Cộng sản và các vấn đề chính trị nội bộ khác”, trích lời ông Steve Okun, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn McLarty Associates.
“Bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa hai quốc gia cũng cần được ký trên cơ sở hai bên cùng có lợi” - ông Okun khẳng định, tuy nhiên quan ngại rằng Mỹ khó có khả năng dỡ bỏ thêm thuế quan như Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy.
Không riêng thương chiến Mỹ Trung, vấn đề Hồng Kông và thực trạng kinh tế lao đao do dịch tả lợn Châu Phi đẩy lạm phát tiêu dùng phi mã cũng là những thách thức lớn với con đường chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, các nhà bình luận chính trị cho hay.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã có dấu hiệu leo thang trong những ngày gần đây sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ tại Hồng Kông, điều mà Bắc Kinh lên án là sự can thiệp thô bạo vào nội bộ chính trị quốc gia. Hôm 27/11 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump chính thức ký vào dự luật bất chấp những sự chỉ trích mạnh mẽ từ Bắc Kinh và nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang. Dự luật được đưa ra vào thời điểm phái đoàn thương mại Mỹ Trung nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận giai đoạn 1 nhằm bình ổn tâm lý thị trường, chấm dứt xung đột thương mại kéo dài hơn một năm nay.
Steve Okun: “Hồng Kông sẽ là một trở ngại trực tiếp trên con đường đạt đến thỏa thuận Mỹ Trung. Nhưng vấn đề lớn hơn nữa là Tổng thống Donald Trump liệu có đồng ý dỡ bỏ thêm thuế quan hay không. Bắc Kinh đã liên tục kêu gọi Mỹ đình chỉ thêm một số mức thuế như một phần trong nội dung thỏa thuận nhằm mở ra cánh cửa sáng cho Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời điểm ông này cần một động thái củng cố vị thế chính trị nội bộ hơn bao giờ hết”.
“Ngay lúc này đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đang bị đặt trong một vị thế không dễ dàng. Cũng như Trump, Tập Cận Bình đang trải qua những tuần áp lực. Cả hai nền kinh tế đều tìm kiếm một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”, ông Okun nhấn mạnh.
Thị trường đã lạc quan sau khi đàm phán Mỹ Trung hồi tháng 10 kết thúc với quyết định nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong nội dung thỏa thuận, Bắc Kinh đồng ý mở cửa ngành dịch vụ tài chính, tăng cường các chế tài pháp luật xoay quanh một số vấn đề sở hữu trí tuệ, cam kết mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ đình chỉ kế hoạch tăng thuế lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực hôm 15/10. Bất chấp Trung Quốc sau đó nỗ lực vận động Mỹ dỡ bỏ thêm thuế quan, ông Trump dường như vẫn giữ nguyên thái độ cứng rắn của mình.
Nhiều chuyên gia phân tích Donald Trump khó có khả năng dỡ bỏ thêm thuế quan, bởi Mỹ cần một đòn bẩy mạnh mẽ như vậy trên bàn đàm phán Mỹ Trung những giai đoạn tiếp theo. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc lao đao, tăng trưởng GDP xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ, có vẻ như Bắc Kinh mới là kẻ cần một thỏa thuận thương mại hơn bao giờ hết.