Trung Quốc hứa hẹn tăng nhập khẩu từ ASEAN

11/09/2021 09:52 GMT+7
Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh một tuyến đường sắt mới nối Côn Minh (Trung Quốc) với một số nước ASEAN sắp khởi động.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN lần thứ 18 tại thành phố Nam Ninh, miền Nam Trung Quốc, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cho rằng song phương cần thúc đẩy các động lực thương mại để tăng tốc đà phục hồi kinh tế. “Chúng tôi sẽ coi ASEAN là đối tác ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc” - ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh.

“Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu các sản phẩm từ ASEAN, mở rộng đầu tư cũng như tiếp xúc sâu sắc hơn trong chuỗi cung ứng công nghiệp, thúc đẩy hợp tác trên hành lang Lancang-Mekong (tức hành lang kinh tế Trung Quốc - Đông Dương)” - Phó Chủ tịch Trung Quốc nói thêm.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN đã tăng 38% lên 410,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN đạt 225,8 tỷ USD trong khi nhập khẩu đạt 184,9 tỷ USD.

Trung Quốc hứa hẹn tăng nhập khẩu từ ASEAN - Ảnh 1.

Trung Quốc hứa hẹn tăng cường nhập khẩu từ ASEAN (Ảnh: ST)

Tuyên bố của phía Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh tuyến đường sắt đầu tiên nối Trung Quốc với Lào sẽ khởi động vào ngày 2/12 tới đây. Tuyến đường dài 426km được Bắc Kinh tài trợ thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, chạy từ thủ đô Viêng Chăn của Lào đến tinh Boten - biên giới Lào - Trung. Ở địa phận Trung Quốc, tuyến đường này chạy thẳng đến thành phố Côn Minh. 

Ở giai đoạn 2, tuyến đường sẽ mở rộng về phía Nam, chạy từ Viêng Chăn của Lào đến thủ đô Bangkok của Thái Lan. Tuyến đường gần đây đã bắt đầu khởi công tại Thái Lan và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

Trung Quốc hứa hẹn tăng nhập khẩu từ ASEAN - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt nối Côn Minh (Trung Quốc) - Viêng Chăng (Lào) - Bangkok (Thái Lan) dự kiến sẽ hoàn tất toàn diện vào năm 2026

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có 2 tuyến đường sắt nối với Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat, các chuyến hàng dọc theo hành lang vận tải mang tên Sáng kiến Kết nối Trùng Khánh - nối Trung Quốc với nhiều quốc  gia Đông Nam Á theo cả đường bộ và đường biển - đã tăng 30% trong năm 2020.

"Tôi đề nghị Trung Quốc và các nước ASEAN tăng cường hợp tác để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế trong khu vực” - Bộ trưởng Bộ Thương mại Myanmar Pwint San cho biết tại hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra. “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng các nước cần làm việc với nhau để thúc đẩy tự do hóa các hàng rào phi thuế quan, một yếu tố cần thiết để thúc đẩy thương mại song phương”.

Lời kêu gọi thúc đẩy thương mại song phương được đưa ra trong bối cảnh quan ngại tình trạng tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc có thể kéo theo sự “mất đà” của các nền kinh tế ASEAN. 

Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu ròng hàng hóa từ nhiều quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Indonesia. Do đó, khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc giảm đi, tiền tệ của các quốc gia ASEAN này sẽ chịu tác động trực tiếp. Theo các nhà phân tích, nhìn chung đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có vai trò như một “mỏ neo” quan trọng trên thị trường ngoại hối khu vực trong bối cảnh các nền kinh tế lân cận, từ Đông Á đến Đông Nam Á đều có liên kết thương mại chặt chẽ với Trung Quốc thông qua chuỗi cung ứng phức tạp.

Một tín hiệu đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc đã vượt ước tính của các nhà phân tích, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu cũng tăng 33,1%. Nguyên nhân thúc đẩy thương mại của Trung Quốc tăng vọt được cho là do  nhu cầu mạnh mẽ từ các đối tác thương mại chính trong bối cảnh nhiều quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.


NTTD
Cùng chuyên mục