Đóng cửa một phần cảng Ninh Ba, kim ngạch thương mại Trung Quốc vẫn tăng cao kỷ lục trong tháng 8

07/09/2021 12:12 GMT+7
Kim ngạch thương mại Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 8 bất chấp cuộc khủng hoảng vận tải toàn cầu và sự lây lan biến thể Delta làm bùng phát một số ổ dịch trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tăng vọt 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 294,3 tỷ USD theo số liệu thống kê hải quan được công bố hôm 7/9. Nhập khẩu tăng 33,1% so với cùng kỳ lên 236 tỷ USD. Đây đều là những con số kỷ lục và cao hơn nhiều so với ước tính của các nhà phân tích.

Trong đó, xuất khẩu lô hàng điện tử và thiết bị gia dụng là động lực tăng trưởng chính trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 71,7 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng 8 và trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của quốc gia Đông Á này.

Tính trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc tăng lần lượt 34% và 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại đạt 362,5 tỷ USD, tăng gần 30%.

Đóng cửa một phần cảng Ninh Ba, kim ngạch thương mại Trung Quốc vẫn tăng cao kỷ lục trong tháng 8 - Ảnh 1.

Kim ngạch thương mại Trung Quốc tăng cao kỷ lục trong tháng 8 (Ảnh: AP)

Ông Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics nhận định dữ liệu thương mại mạnh mẽ đang phản ánh khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Mặc dù còn nhiều thách thức trong ngắn hạn, có thể thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại Trung Quốc đã được cải thiện và chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tạo đà cho tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vào cuối năm nay và cả năm 2022”.

Mitul Kotecha, Giám đốc chiến lược các thị trường mới nổi châu Á và châu Âu tại  TD Securities thì chỉ ra rằng dữ liệu thương mại tăng trưởng bứt phá đang giúp Trung Quốc xoa dịu tác động từ sự giảm tốc trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên phục hồi sau đại dịch, nhưng trong những tháng gần đây đã có nhiều bằng chứng cho thấy đà tăng trưởng tại quốc gia này chậm lại đáng kể. Tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn cũng như chiến dịch siết quản lý với hàng loạt lĩnh vực từ công nghệ đến giáo dục của Bắc Kinh đã làm lung lay niềm tin nhà đầu tư, thổi bay hàng nghìn tỷ USD giá trị thị trường của các công ty.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống 50,4 trong tháng 7, tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Đây cũng là mức PMI thấp nhất kể từ tháng 2/2020 đến nay, thời điểm dịch Covid-19 tại Trung Quốc đạt đỉnh. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 7 cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt sau khi 15 tỉnh thành tại quốc gia này ghi nhận các ca nhiễm mới Covid-19. 

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) giải thích mức tăng trưởng chậm lại là do tác động của nhiều yếu tố bao gồm những bất ổn bên ngoài ngày càng tăng và đợt bùng phát dịch Covid-19 trong nước cũng như tình hình lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành. Sự bùng phát dịch Covid-19 mới đây đang buộc các nhà chức trách Trung Quốc mạnh tay thực hiện hàng loạt biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt để ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh do biến thể delta gây ra. 

Hồi đầu tháng 8, Trung Quốc đã đóng cửa nhà ga Meishan thuộc cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng container lớn bậc nhất trong nước khoảng 2 tuần sau khi phát hiện một công nhân dương tính với Covid-19. Theo tính toán của nhà tư vấn GardaWorld, nhà ga Meishan chiếm khoảng 25% lượng hàng container thông qua cảng Ninh Ba - Chu Sơn. Các nhà phân tích quan ngại động thái đóng cửa nhà ga Meishan có nguy cơ gây thiệt hại lớn hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã gián đoạn trong suốt năm qua do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đại dịch. Ngoài ra, chính phủ cũng phong tỏa một số tỉnh thành, hủy hàng loạt chuyến bay…, những động thái được cho là có tác động đến nhiều hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, với việc kim ngạch thương mại Trung Quốc vẫn tăng trưởng khả quan trong tháng 8 như báo cáo, các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định dường như những gián đoạn ở cảng Ninh Ba chỉ gây tác động hạn chế đến hoạt động thương mại nhờ khối lượng hàng hóa được thông quan qua các cảng biển gần đó.


NTTD
Cùng chuyên mục