Trung Quốc muốn duy trì lạm phát mục tiêu 3% trong năm 2020

03/01/2020 15:17 GMT+7
Trung Quốc mới đây vừa quyết định duy trì mức lạm phát mục tiêu trong năm 2020 ở mức 3%, thấp hơn 0,5% so với dự đoán của các nhà phân tích.
Trung Quốc duy trì mức lạm phát mục tiêu 3% trong năm 2020 - Ảnh 1.

Lạm phát giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2020 do giá thịt lợn bình ổn trở lại

Cuộc khảo sát trước đó mà Reuters thực hiện với nhiều chuyên gia kinh tế đã dự đoán Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ nâng lạm phát mục tiêu lên mức 3,5% nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm dư địa tung ra các kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ mức tăng trưởng GDP suy yếu trong vài quý qua. Tuy nhiên, nguồn tin mới đây của Reuters lại tiết lộ rằng chính phủ Trung Quốc kỳ vọng giá lương thực sẽ bắt đầu giảm trong nửa cuối 2020 do tình trạng thiếu hụt nguồn cung lợn được bình ổn. Do đó, mức lạm phát mục tiêu nhiều khả năng sẽ duy trì ở khoảng 3%.

Bắc Kinh đã duy trì lạm phát mục tiêu 3% kể từ năm 2015 đến nay.

“Lạm phát mục tiêu vẫn nằm ở ngưỡng 3%, nhưng chúng tôi không thể loại trừ khả năng lạm phát vượt mức 5% trong những tháng đầu năm” - nguồn tin của Reuters cho hay. Mức lạm phát mục tiêu chính thức sẽ được công bố tại phiên họp quốc hội thường niên vào đầu tháng 3/2020. “Hiện tại sự gia tăng lạm phát CPI chủ yếu là do giá thịt lợn tăng gấp đôi trong năm qua, chứ không phải là sự tăng giá trên diện rộng. Giá thịt lợn có thể bắt đầu giảm trong nửa sau của năm 2020, điều sẽ giúp bình ổn lại mức lạm phát cơ bản”.

Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước và Ủy ban Cải cách & Phát triển Quốc gia hiện chưa trả lời Reuters về mức lạm phát trên đây.

Hồi tháng 11/2019, lạm phát giá tiêu dùng CPI tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011 do giá thịt lợn tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, được thúc đẩy bởi cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi. Nhưng lĩnh vực sản xuất đã chứng kiến sự giảm phát tháng thứ 5 liên tiếp. Những xu hướng ngược dòng đã khiến các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hồi sinh nền kinh tế gặp khó khăn lớn, Ngân hàng Trung Ương buộc phải duy trì chính sách tiền tệ thận trọng vì gánh nặng nợ hơn 300% GDP.

Suốt hai năm kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã buộc phải triển khai những biện pháp hỗ trợ kinh tế thông qua đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng hay cắt giảm thuế. Các nhà hoạch định chính sách đã cam kết không tung ra những gói kích thích lớn tương tự như hồi khủng hoảng kinh tế 2008-2009 để tránh làm nặng nề thêm núi nợ quốc gia hiện nay.

Dù vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu muốn giữ lạm phát dưới mức 3% trong năm nay, các nhà phân tích cho hay. Hôm 2/1, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc RRR 0,5%, một động thái được dự đoán sẽ giải phóng ra thị trường khoảng 800 tỷ NDT tiền mặt. PBOC được kỳ vọng sẽ cắt giảm RRR ít nhất 1 lần nữa trong năm nay. Dù mức nới lỏng là nhỏ tương đối so với nhiều nền kinh tế khác như Mỹ, Châu Âu…, nó đã cho thấy xu hướng hạ lãi suất của PBOC. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quý III/2019 xuống mức 6%, thấp nhất trong gần 3 thập kỷ, PBOC có lý do để tung thêm nhiều kích thích tương tự, điều có thể sẽ đẩy lạm phát vượt mức mục tiêu 3% như Bắc Kinh kỳ vọng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục