Xuất hiện công ty doanh thu 0 đồng trong quý 1/2020
Doanh thu 0 đồng
Đại dịch Covid-19 hoành hành trong gần 2 tháng qua đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Trước khi có Chỉ thị 16 về cách ly toàn xã hội, rất nhiều đơn vị đã phải đóng cửa, từ đó khiến doanh thu sụt giảm. Trong quý 1/2020 đã xuất hiện doanh nghiệp không thu nổi 1 đồng. Đó là Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Vi na ta ba (VTJ).
VTJ vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với những số liệu đáng buồn. Theo đó, trong kỳ, công ty không phát sinh bất cứ hoạt động bán hàng hóa nào. Vì vậy, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VTJ là… 0 đồng, Cùng kỳ năm ngoái, công ty thu về gần 3,1 tỷ đồng.
Năm ngoái, doanh thu hoạt động tài chính là "phao cứu sinh" cho VTJ. Nhưng năm nay, chỉ tiêu này lại giảm sâu từ 1,1 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 36 triệu đồng. Tất cả các doanh thu đều hao hụt lớn nên bức tranh của VTJ trong quý 1 không hề sáng sủa.
Do không thực hiện hoạt động bán hàng nên công ty tiết kiệm được 482 triệu đồng chi phí bán hàng của năm 2019. Có lẽ, trong kỳ, VTJ đã nỗ lực "thắt lưng buộc bụng" bằng cách cắt giảm lương và nhiều khoản chi khác nên chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm 609 triệu đồng, tương đương 52% xuống chỉ còn 562 triệu đồng.
"Thắt lưng buộc bụng" hết mức nhưng không có doanh thu nên VTJ không tránh được một kỳ thua lỗ. Trong quý 1/2020, VTJ đã lỗ hơn 525 triệu đồng dù cùng kỳ năm ngoái lãi 5,9 tỷ đồng.
Do Covid-19 hay tại công ty?
VTJ được thành lập vào ngày 07/06/2007. Công ty hoạt động chủ yếu trong việc kinh doanh phân phối nguyên phụ liệu ngành thuốc lá và sản phẩm thuốc lá bao. Từ năm 2012, VTJ đã tập trung triển khai phân phối, phân phối độc quyền và kinh doanh một số sản phẩm thuốc lá bao nội địa của các công ty sản xuất thuốc lá như Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long với các nhãn hiệu như Select Vinataba, Jupiter Gold BC, Thăng Long, Thủ Đô, Saigon Silver Demi Slim BC với mạng lưới 42 đại lý bán hàng trong cả nước.
Hiện tại, VTJ chưa giải trình về doanh thu 0 đồng trong quý 1/2020. Vì vậy, có thể có ý kiến cho rằng VTJ không bán nổi hàng do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân VTJ cũng đã có nhiều vấn đề về hoạt động từ năm 2019.
Cụ thể, trong năm 2019, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 của VTJ đạt 4,8 tỷ đồng, giảm 10,8 tỷ đồng, tương đương 69% so với năm 2018.
VTJ cho biết doanh thu công ty giảm mạnh là do từ quý 3/2019 công ty đã ngừng hoạt động kinh doanh thuốc lá vì không có nguồn hàng phù hợp và hoạt động không hiệu quả. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 11,2 tỷ đồng do một số khoản đầu tư tài chính.
Công ty cho biết đang tập trung tái cấu trúc, tìm kiếm chiến lược kinh doanh mới.
Kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam cũng đề cập tới doanh thu VTJ trong năm 2019. Theo đó, RSM Việt Nam cho biết: "Chúng tôi muốn lưu ý người đọc đến Mục 10 trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính về việc doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm nay giảm 69% so với năm trước, đồng thời số lượng nhân viên giảm từ 22 người xuống còn 5 người. Ngoài ra, kể từ quý 3/2019, Công ty đã ngừng hoạt động kinh doanh thuốc lá".
Vẫn chưa tìm được chiến lược mới?
VTJ đã ngừng kinh doanh thuốc lá – hoạt động chính của công ty từ quý 3/2019. Cho đến nay, đã nửa năm trôi qua nhưng VTJ chưa phát sinh doanh thu. Điều đó có thể là công ty chưa tìm được hàng hóa mới thay thế.
Điều này thể hiện qua doanh thu 0 đồng và hàng tồn kho. Tại thời điểm 31/3/2020, giá trị hàng tồn kho của VTJ là 0 đồng, không đổi so với cuối năm 2019. Ngoài ra, tiền của VTJ cũng giảm sâu.
Cổ phiếu VTJ niêm yết trên sàn Hà Nội từ năm 2017 nhưng không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. VTJ rất ít khi phát sinh giao dịch. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của VTJ là 0 đơn vị nên VTJ "đóng băng" ở mức 6.800 đồng/CP.
Tuy nhiên, tới sáng 16/4, VTJ giảm sàn, giảm 600 đồng/CP xuống 6.200 đồng/CP. Có lẽ thông tin báo cáo tài chính quý 1/2020 với nhiều con số kém lạc quan của VTJ đã tác động tâm lý nhà đầu tư.