DBS: Kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm nay
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 5,64% trong nửa đầu năm 2021, tăng vọt so với mức 1,82% cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù con số này thấp hơn dự báo 7% trước đó, nhưng nó góp phần khẳng định tiềm năng tăng trưởng cao vững chắc của Việt Nam trong năm nay.
Mức tăng GDP được thúc đẩy một phần bởi kim ngạch thương mại tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 28,4% lên 157,63 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Riêng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 42,6% lên 44,9 tỷ USD.
Gã khổng lồ công nghệ Samsung của Hàn Quốc chiếm tới 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với mặt hàng chủ lực là các sản phẩm smartphone. Xuất khẩu hàng may mặc, da giày sang châu Âu cũng tăng mạnh nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ năm 2020.
Bất chấp sự bùng phát một số ổ dịch Covid-19 tại các nhà máy ở một số khu công nghiệp phía Bắc thuộc Bắc Giang, Bắc Ninh, kim ngạch xuất khẩu chung vẫn tăng tốc, tạo đà mạnh mẽ cho tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế.
Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ các ngành xuất khẩu. Hai dự án xây dựng nhà ga mới tại cảng Lạch Huyện, phía Bắc thành phố Hải Phòng đã được khởi công vào giữa tháng 5 qua với tổng chi phí dự kiến 7 nghìn tỷ đồng (304 triệu USD).
Hải Phòng là tỉnh đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, vận tải logistics của miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Lượng hàng hóa vận chuyển thông qua cảng Hải Phòng trong quý I/2021 đã tăng vọt 14% so với cùng kỳ năm ngoái lên 7,12 triệu tấn. Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, chính quyền địa phương đang xem xét các phương án mở rộng, tăng công xuất cảng để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trong tương lai.
Khi các công ty nước ngoài tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng là điểm đón dòng vốn FDI tiềm năng nhờ nguồn lao động giá rẻ. Dòng vốn FDI chảy vào nước ta đã tăng nhanh kể từ năm 2018, thời điểm cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ buộc nhiều công ty nước ngoài dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc để tránh thuế quan trừng phạt của Mỹ.
Nhà sản xuất điện tử hợp đồng nổi tiếng Foxconn, đối tác chiến lược của Apple dự kiến sẽ đầu tư 700 triệu USD vào Việt Nam trong năm nay nhằm tăng doanh thu từ nước ra lên 40 tỷ USD trong 3 - 4 năm tiếp theo, từ mức 6 tỷ USD đạt được vào năm 2020.
Tuy nhiên, tờ Nikkei Asian Review cảnh báo việc kiểm soát đại dịch vẫn là yếu tố quyết định phần nhiều tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm nay. Dù cho đến nay, Việt Nam vẫn được vinh danh là một trong những quốc gia thành công điển hình trong kiểm soát dịch, nhưng số ca nhiễm Covid-19 trong thời điểm hiện tại vẫn tăng lên mỗi ngày kể từ khi các biến chủng virus nguy hiểm được phát hiện và bắt đầu lây lan trong nước hồi tháng 4.
Tình hình dịch bệnh ở các khu công nghiệp phía Bắc quan trọng như Bắc Giang đang có dấu hiệu được kiểm soát, nhưng thành phố Hồ Chí Minh lại trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh. Thành phố Hồ Chí Minh hiện được mệnh danh là đầu tàu kinh tế của quốc gia, nhưng hiện đã rơi vào tình trạng phong tỏa và hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt. Tất cả các phương tiện công cộng ngừng hoạt động, các cửa hàng ăn uống trong nhà cũng bị hạn chế.
Tốc độ tiêm vắc xin chậm cũng là một yếu tố bất ổn khác. Theo Our World in Data, tính đến nay, tỷ lệ dân số đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19 tại nước ta chỉ là hơn 3%.
Ngân hàng Phát triển châu Á DBS dự báo Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2021, cao nhất trong các nền kinh tế Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro đe dọa con số này, từ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đến tốc độ tiêm vắc xin chậm làm ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế.