Sau khi kiện Trung Quốc lên WTO, Úc ngỏ ý muốn đối thoại
“Điều tôi muốn làm là ngồi xuống và giải quyết những mâu thuẫn này” - Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho hay. Tuyên bố được đưa ra tại cuộc phỏng vấn độc quyền với Nikkei Asian Review trong khuôn khổ chuyến công du Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc và Mỹ mới đây khi Úc nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị gia tăng.
“Cách tốt nhất để giải quyết bất đồng là thông qua đối thoại” - ông Dan Tehan nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng Úc muốn duy trì quan hệ thương mại bền chặt với Trung Quốc.
Vị Bộ trưởng Thương mại Úc cũng kỳ vọng các kết nối song phương sẽ được mở ra sớm thay vì muộn, tuy nhiên khẳng định phía Úc sẽ kiên nhẫn trong việc giải quyết vấn đề. “Chúng ta phải nhớ rằng quan hệ thương mại của Úc với Trung Quốc đang giúp hàng triệu người Trung Quốc thoát nghèo, đồng thời cũng giúp nhiều người Úc duy trì mức sống của họ. Do đó, quan hệ đối tác kinh tế nên được tiếp tục vì lợi ích song phương”.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra vốn đã trở nên rạn nứt khi chính phủ Canberra cấm Huawei tham gia cung cấp thiết bị linh kiện cho mạng 5G vào năm 2018. Sau đó, vào đầu năm 2020, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Chính phủ Bắc Kinh sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc do các biện pháp hạn chế thương mại từ Bắc Kinh.
Căng thẳng trở nên tồi tệ hơn trong năm nay khi hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đình chỉ Diễn đàn đối thoại kinh tế song phương chỉ vài ngày sau khi Úc tuyên bố hủy bỏ hai thỏa thuận thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa bang Victoria với Bắc Kinh. Vào tháng 6, Canberra quyết định đệ đơn khiếu nại về việc việc Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá với rượu vang xuất khẩu Úc lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Năm ngoái, Úc cũng từng đưa ra kháng nghị chính thức lên WTO nhằm xem xét lại quyết định của Trung Quốc về việc áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với lúa mạch nước này.
Bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang, thực tế quan hệ thương mại tổng thể giữa Úc và Trung Quốc vẫn khá bền chặt. Các lô hàng từ Úc sang Trung Quốc ngày càng tăng, đặc biệt là quặng sắt. Theo Cục Thống kê Úc, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 16% trong tháng 5, riêng quặng sắt tăng 20%.
“Các doanh nghiệp Úc đã làm việc với chính phủ trong nỗ lực giải quyết những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải với Trung Quốc. Ví dụ, chúng tôi đã đưa ra quyết định khiếu nại về mức thuế rượu vang và lúa mạch lên Tổ chức Thương mại Thế giới để giải quyết tranh chấp. Ngành công nghiệp ngũ cốc và rượu vang của chúng tôi hoàn toàn ủng hộ động thái này” - Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho hay.
Ông Tehan cũng nhấn mạnh chính phủ Úc đang làm việc với các bang để đảm bảo giữa các chính quyền địa phương và chính phủ duy trì một lập trường thống nhất cần thiết.
Trong khi chờ đợi quan hệ song phương với Trung Quốc bình ổn trở lại, ông Tehan khẳng định Úc “ sẽ tiếp tục phát triển và đa dạng hóa tất cả các mối quan hệ thương mại khác".