Thoái vốn khỏi AMC, gã khổng lồ Vạn Đạt của Trung Quốc khép lại giấc mơ vươn ra toàn cầu
Việc Vạn Đạt mua lại nhà điều hành rạp chiếu phim lớn thứ hai trên toàn cầu được ví với thương vụ Sony tiếp quản Columbia Pictures vào năm 1989, thời điểm mà dòng tiền từ Nhật Bản đang ngốn nhiều tài sản quan trọng ở Mỹ và trên toàn thế giới.
Nhưng trong khi Columbia Pictures vẫn là một phần cốt lõi trong danh mục đầu tư của Sony, thì Vạn Đạt trong vài ngày qua đã gần như hoàn toàn rút khỏi hội đồng quản trị AMC, trích một tuyên bố hôm 23/5. Một hồ sơ mà Vạn Đạt trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ hôm 21/5 cho biết tập đoàn này hiện chỉ nắm giữ 10.000 cổ phiếu AMC, tương đương 0,002% số cổ phiếu đang lưu hành.
Vạn Đạt cũng khẳng định tập đoàn này có lãi dù rút chân khỏi các khoản đầu tư. Theo đó, Vạn Đạt đã chi 700 triệu USD để mua lại 100% cổ phần AMC trước khi thu về 1,48 tỷ USD sau khi thoái vốn. Nguyên nhân là do cổ phiếu AMC đã tăng trong những tháng gần đây.
Việc bán cổ phiếu của Vạn Đạt là động thái mới "dựa trên chiến lược phát triển tập trung vào thị trường nội địa", trích phát ngôn chính thức của Vạn Đạt hôm 23/5.
Vạn Đạt bắt đầu bán bớt cổ phần AMC vào năm 2018, ngay sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc nhắm mục tiêu vào tập đoàn này cùng hàng loạt ông lớn khác như HNA Group, Anbang Insurance và Fosun International vì các hoạt động mua tài sản ở nước ngoài mạnh mẽ trong khi cõng gánh nặng nợ quá lớn. Các ngân hàng nội địa cũng được yêu cầu cắt giảm nguồn tín dụng tài trợ cho các giao dịch của những ông lớn này.
Việc Vạn Đạt gần như rút chân khỏi AMC không phải là điều Chủ tịch Wang Jianlin mong đợi khi ông tiến hành mua lại AMC vào năm 2012. Trong bữa tiệc ăn mừng sự kiện mua lại AMC thời điểm đó, ông Wang tuyên bố: “Tập đoàn Vạn Đạt sẽ tiếp tục mua lại các chuỗi rạp chiếu phim quy mô lớn ở châu Âu và châu Mỹ, và đến năm 2020, chúng tôi sẽ chiếm 20% thị phần (rạp phim toàn cầu)”.
Thật vậy, sau thương vụ AMC, Vạn Đạt cũng mua Carmike Cinemas cũng như các chuỗi rạp ở Úc, New Zealand, Vương quốc Anh và Scandinavia, kèm theo một hãng chế tạo du thuyền sang trọng của Anh, một công ty tiếp thị thể thao ở Thụy Sĩ. Vạn Đạt còn sở hữu cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atletico Madrid và xưởng sản xuất phim Hollywood Legendary Entertainment.
Cho đến nay, Vạn Đạt không niêm yết trên thị trường, do đó các thông tin về khối nợ cụ thể của Vạn Đạt là không rõ ràng. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay và tấn công mạnh mẽ vào ngành công nghiệp giải trí, Vạn Đạt đã buộc phải bán nhiều cổ phần đang sở hữu.
Chẳng hạn, Wanda Sports Group, công ty con của Vạn Đạt đã bán cổ phiếu của World Triathlon, chủ sở hữu quyền kinh doanh ba môn phối hợp Người sắt cho một công ty truyền thông tư nhân của Mỹ vào tháng 7/2020 với giá 730 triệu USD, sau khi mua lại vào năm 2015 với giá 650 triệu USD. Chỉ vài ngày sau khi chốt thương vụ này, Wanda Hotel Development, một công ty con khác của Vạn Đạt đã đồng ý bán 90% cổ phần nắm giữ trong Tòa tháp Wanda Vista 101 tầng (nay đã đổi tên thành St. Regis Chicago) ở trung tâm thành phố Chicago với giá 270 triệu USD.
Aeon Liang, nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings nhận định rằng ngay cả sau khi thanh lý tài sản, Vạn Đạt vẫn bị hạn chế tài trợ tín dụng.
S&P gần đây xếp hạng Dalian Wanda Commercial - bộ phận phụ trách mảng quản lý bất động sản của Vạn Đạt ở mức "BB +", tức lãnh thổ trái phiếu rác. Để lấy lại xếp hạng đầu tư, ông Aeon Liang cho biết công ty mẹ sẽ cần cải thiện hồ sơ tín dụng cũng như niềm tin đầu tư thông qua đầu tư có kiểm soát vào hoạt động kinh doanh phát triển bất động sản, hoặc nếu phân khúc giải trí hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, khi đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại.